'Đãi' công chúng nghệ thuật online

Ngọc An
Ngọc An
26/04/2020 08:23 GMT+7

Năm nay, hội sách quốc gia lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây cũng trở thành sự kiện văn hóa trong nước hiếm hoi được diễn ra qua mạng.

Xu thế tất yếu

Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã đưa đến khán giả những dự án âm nhạc online. Một số buổi trò chuyện về văn hóa, nghệ thuật trực tuyến cũng được diễn ra. Tuy nhiên, nhiều sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật đã bị hoãn lại. Và công chúng rất hiếm hoi có cơ hội thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, hay tham gia những sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật...) trên mạng.
Những nhà hát, thư viện, bảo tàng, gallery Việt Nam nên thử ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào việc tổ chức sự kiện online để thăm dò khách hàng, tập luyện sử dụng công cụ mới, tự thay đổi để thích nghi với tình hình mới
Ông Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ quản trị văn hóa Đại học Paris Dauphine (Pháp)
Trong khi đó, trên thế giới, Nhà hát Bolshoi - một trong những trung tâm kịch nghệ danh tiếng ở Nga, đã “đãi” công chúng trên khắp toàn cầu những tác phẩm ballet, opera kinh điển qua kênh YouTube. Hàng loạt nhà hát nổi tiếng thế giới sau đó cũng không đứng ngoài cuộc chơi “đưa nhà hát đến nhà của bạn” với những phần trình diễn được phát trực tuyến. Không chỉ vậy, công chúng còn có cơ hội tham quan miễn phí nhiều bảo tàng “ảo” lớn ở khắp nơi trên thế giới.
Mới đây, Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes (Pháp) đã quyết định chương trình Marché du film (gồm hoạt động trình chiếu, triển lãm phim) trong khuôn khổ liên hoan sẽ được diễn ra trên mạng. Một số liên hoan phim trên thế giới đã chuyển qua hình thức trực tuyến trước tình hình dịch bệnh. “Khi bị co lại trong không gian sống của mình, người ta có nhu cầu tự nhiên tăng giao tiếp xã hội, giải trí, học tập, sinh hoạt online. Việc cung cấp các sản phẩm/dịch vụ văn hóa trên môi trường online là một xu thế tất yếu”, ông Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ quản trị văn hóa Đại học Paris Dauphine (Pháp), nhìn nhận.

Không thích nghi sẽ tự đặt mình vào thế khó

Đến giờ, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM vẫn chưa đưa những tác phẩm trình diễn của nhà hát lên nền tảng số. “Nền tảng cơ sở vật chất, trình độ biểu diễn chưa thể đáp ứng được”, ông Nguyễn Minh Tân, Phó trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, lý giải nguyên nhân. Bên cạnh đó, nhà hát cũng chưa từng nghĩ đến việc này.
Không chỉ riêng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, đây còn là thực trạng chung với hầu hết những nhà hát trong nước. “Chúng ta cũng có một số bảo tàng “ảo” đấy, nhưng việc để kết nối bảo tàng “ảo” đó đến với khách tham quan qua hình thức trực tuyến chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Với việc thực hiện những sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật theo hình thức này cũng như vậy”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, bày tỏ.
Ông Sơn chỉ ra 4 lý do căn bản cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến thực trạng phương tiện truyền thông mới/kỹ thuật số vẫn còn ít được ứng dụng trong việc đưa những sự kiện, chương trình nghệ thuật, văn hóa trong nước tiếp cận với công chúng: thiếu kinh nghiệm; trình độ kỹ thuật, nền tảng trực tuyến còn hạn chế; khán giả chưa có thói quen; và quan trọng là do nhận thức chưa đầy đủ từ phía nhà quản lý cho đến những người thực hành văn hóa, nghệ thuật.
Bạn trẻ xem hội sách quốc gia lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến Ảnh: Ngọc Dương

Bạn trẻ xem hội sách quốc gia lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến

Ảnh: Ngọc Dương

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, dịch bệnh Covid-19 có những tác hại lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở khía cạnh tích cực khác, dịch bệnh là lúc để mọi người nhận thức lại, rõ hơn về vị trí, vai trò của những hoạt động văn hóa, nghệ thuật trực tuyến. “Chúng ta cần có những thay đổi trong việc thưởng thức nghệ thuật từ xa”, ông Sơn nhìn nhận.
Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng trong tương lai, dù không trong tình trạng dịch bệnh thì xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh. “Người ta sẽ tìm nhiều thông tin hơn trên mạng. Việc được xem những tác phẩm hay cũng tăng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Đầu tư vào truyền thông và một lúc nào đó là biểu diễn online (thu hoặc không thu phí) sẽ ngày càng phổ biến”, ông Thành nói và nhấn mạnh: “Đơn vị nào không nắm bắt và thích nghi được với xu hướng này sẽ tự đặt mình vào thế khó”.

Cần bắt kịp xu hướng

PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định, khi việc tổ chức, thực hiện những hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật online là xu hướng đang phát triển của thế giới, thì Việt Nam chắc chắn không thể nằm ngoài cuộc. Theo ông Sơn, để bắt kịp xu hướng này, cần có những giải pháp mà trước tiên có thể bắt đầu từ những giải pháp về chính sách. “Cần có những chính sách để hỗ trợ cho những tổ chức văn hóa, nghệ thuật, hay những đơn vị làm về truyền thông số, để họ cùng liên kết tạo ra cơ chế, từ đó thúc đẩy phát triển loại hình này”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhắc đến việc cần nhận thức tầm quan trọng của việc thưởng thức nghệ thuật trực tuyến với xã hội như giải pháp tiếp theo. “Việc để công chúng thưởng thức văn hóa nghệ thuật không chỉ là để tạo ra thị trường, mà tạo ra những con người yêu văn hóa nghệ thuật, giúp cho việc phát triển văn hóa, phát triển con người”, ông Sơn nhấn mạnh. Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, những giải pháp cần đưa ra là hỗ trợ cho những đơn vị xây dựng nền tảng trực tuyến, phát triển kỹ thuật, hay giáo dục nghệ thuật từ trong nhà trường…
Chuyên đề Văn hóa Đông Sơn tại bảo tàng ảo 3D của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Ảnh: Chụp từ màn hình

Chuyên đề Văn hóa Đông Sơn tại bảo tàng ảo 3D của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ảnh: Chụp từ màn hình

Ông Nguyễn Đình Thành đề xuất giải pháp cụ thể: “Những nhà hát, thư viện, bảo tàng, gallery Việt Nam nên thử ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào việc tổ chức sự kiện online để thăm dò khách hàng, tập luyện sử dụng công cụ mới, tự thay đổi để thích nghi với tình hình mới”.
Theo ông Thành, cần nhìn rộng hơn về việc những hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật trực tuyến sẽ là “công cụ” hiệu quả cho việc giữ mối quan hệ với công chúng, đồng thời mở rộng công chúng - cũng là đối tượng khách hàng - của những sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật trực tiếp... “Hai hình thức có thể tồn tại song song. Cái này không loại trừ cái kia, mà cái này tạo nhu cầu cho cái kia. Cái kia tạo thêm sức sống, tăng thêm cơ hội cho cái này bước vào tâm trí của con người trong thời đại số”, ông Thành nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cũng chung nhận định, khi việc thưởng thức văn hóa, nghệ thuật trực tuyến phát triển thì sẽ quay ngược lại khuyến khích thúc đẩy thị trường, giúp cho những hoạt động văn hóa, nghệ thuật hoạt động sôi nổi hơn. “Đầu tiên là người ta hiểu, người ta thích, người ta yêu thì sẽ dẫn tới việc người ta sẽ tham gia vào những hoạt động này trực tiếp, và tiếp đó là phát triển văn hóa, nghệ thuật”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.