Đề xuất tạm dừng tự chủ nhà hát

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/04/2020 06:57 GMT+7

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đề xuất lên Bộ VH-TT-DL về chính sách với các đơn vị văn hóa nghệ thuật.

Theo đó, nên tạm dừng việc tự chủ nhà hát vì các đơn vị này không có buổi diễn nào từ đầu năm do Covid-19.
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cho biết từ đầu năm tới giờ, nhà hát hoàn toàn không có buổi diễn nào. Đây là tình trạng chung của các nhà hát. Song với Nhà hát Chèo Việt Nam, vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì thông thường, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống chỉ rơi vào mùa lễ hội đầu năm. Cùng lúc, các bảo tàng cũng rơi vào tình trạng không có khách do du lịch sụt giảm mạnh…
Với Nhà hát Tuổi trẻ, khó khăn nằm ở chỗ họ phải tìm nguồn để bù lương cho khoảng 70 cán bộ hợp đồng. “Lương ngân sách đang cấp cho biên chế hơn 70 người. Nhưng con số thật của nhà hát là hơn 150 người. Những diễn viên trẻ đang làm việc nhiều thì lại trong diện hợp đồng nên chúng tôi phải căng sức ra tăng thu nhập bù đắp cho họ”, ông Nguyễn Sĩ Tiến - Phó giám đốc Nhà hát, cho biết.
Việc bù lương cho nghệ sĩ, với Nhà hát Tuổi trẻ đã nặng, với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam còn nặng hơn. Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã tự chủ 100%, nên giờ họ phải lo toàn bộ lương nghệ sĩ dù từ đầu năm tới giờ không có nguồn thu nào. “Họ phải thỏa thuận với nghệ sĩ về việc nghỉ ăn 50% lương. Nghệ sĩ cũng phải chia sẻ với nhà hát. Nghĩa là đã phải động đến nhân sự”, ông nói.
Đây cũng chính là lý do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Vicas) có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đơn vị văn hóa nghệ thuật. Trong đó, Viện đề xuất các gói chính sách đi kèm. “Tạm dừng tự chủ là một trong những giải pháp được đưa ra. Các đơn vị đang trên đường tự chủ có thể tạm dừng lại, chậm lại quá trình tự chủ này. Nghĩa là nếu nhà nước yêu cầu tự chủ 10% kinh phí thì có thể năm nay chưa yêu cầu như vậy. Nếu nhà nước yêu cầu tự chủ nhiều hơn thì có thể dừng lại ở mức tự chủ của năm trước. Vì thường tự chủ có lộ trình, mỗi năm tăng phần tự chủ một chút”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Vicas, cho biết.
Cũng theo đề xuất chính sách của Vicas, nên giảm hoặc dừng thu 50% chi phí thu được từ bán vé, bảo tàng. “Chúng tôi có trao đổi với các bảo tàng. Chẳng hạn, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật muốn được giữ lại tiền bán vé. Đầu năm đến giờ thì chưa có vé đâu, nhưng họ muốn giữ lại 50% khi cuối năm có thể có”, ông Sơn nói.
Về thuế, Vicas đề xuất Bộ VH-TT-DL kiến nghị giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật, giảm 50% sắc thuế này vào năm 2021. “Nhà hát chúng tôi cố gắng không làm phiền ai. Trong hoàn cảnh eo hẹp này vẫn cố lo đủ lương cho anh em. Khi mọi chuyện quay lại bình thường thì cố gắng có hoạt động có thu. Nhưng nếu có giảm thuế 2020 thì sẽ bớt khó khăn đầu vào”, ông Sĩ Tiến nói.
Về những đề xuất này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Tự chủ nhà hát là chiến lược lâu dài. Kế hoạch tự chủ thường được xây dựng 3 năm, chẳng hạn theo lộ trình tự chủ 10 - 20 - 30%. Bây giờ có dịch thì tiến độ đó có thể chậm lại. Và cũng có thể cứu trợ bằng các chương trình hành động như cấp tiền làm chương trình sau khi dịch qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.