Từ phát cháo đến tặng tranh
Một ngày giữa tháng 2 mưa rét, “gã” họa sĩ sinh năm 1975 tiết lộ rằng ý tưởng “ngộ nghĩnh” này đến với anh chừng 2 năm trước, thời là thành viên của một nhóm thiện nguyện thường đi phát cháo miễn phí trong bệnh viện.
|
Nhưng không thể mang những bức tranh công phu, nhiều tầng ngữ nghĩa của một người từng trải như anh để treo ở khoa nhi cho trẻ em xem, có khi lại khiến các cháu thêm... đau đầu. Vậy nên Trương Đình Dung đã xin chủ trương của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị để có thể lặn lội đến các trung tâm văn hóa thông tin huyện, thị trong toàn tỉnh, thu gom hàng trăm bức tranh của các bạn thiếu nhi đoạt giải thưởng mỹ thuật, mang về kho tranh tại nhà. Tại đây, anh tiếp tục tuyển lựa những bức có chủ đề tươi vui, nét vẽ tươi tắn để gắn vào những tấm nhựa vuông vắn, trước khi dùng một lớp giấy bóng ép lên bề mặt. “Những bức tranh này dán trên tường, dọc hành lang và cả trong phòng bệnh nên không thể lồng khung gỗ. Vì như vậy sẽ rất nặng. Chính vì thế, tôi đã nghĩ ra cách vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo kết dính, bền vững mà không làm mất đi tính thẩm mỹ”, anh giải thích.
Tự bỏ tiền túi mày mò, âm thầm làm với sự hỗ trợ của một số học trò, Trương Đình Dung đã hoàn thành hơn 110 bức tranh và lần lượt mang vào bệnh viện. Giữa mùa dịch Covid-19, người ta hạn chế đến nơi đông người, vào bệnh viện lại càng ngại, nhưng gã họa sĩ vẫn vào ra nơi này để chăm chút cho từng bức tranh. Có vậy nên giờ đây, đi khắp ngóc ngách nào của khoa nhi cũng thấy tranh, cũng thấy sắc màu. Các em bé nằm trên giường bệnh chỉ cần ngẩng đầu lên cũng thấy được những nét cọ của bạn bè đồng trang lứa...
Cháo để no, tranh để vui
Trương Đình Dung cố đưa hội họa vào bệnh viện, đầu tiên là khoa nhi, vì: “Phát cháo thì làm cho mấy đứa no, còn tặng tranh chắc mấy đứa... vui. Nghĩ đến thế thôi là tôi cũng vui lây”, anh thổ lộ.
Anh đề xuất với lãnh đạo bệnh viện treo tranh ở khoa nhi đầu tiên, phần bởi trẻ con luôn là đối tượng được quan tâm hàng đầu, phần vì tâm hồn trẻ thơ luôn nhạy cảm với màu sắc. Biết đâu trong số bệnh nhi này nhờ những bức tranh bên giường bệnh mà trở thành... họa sĩ trong tương lai. Còn thực tế, ngoài trẻ nhỏ, bệnh nhân lớn cũng cần hội họa. “Hội họa có những sức mạnh lớn, nếu không làm họ khỏe hơn thì cũng làm họ vui hơn”, anh tâm đắc.
Có lẽ chính vì thế mà anh đang ấp ủ ý định “phủ màu” ở nhiều khoa phòng khác của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị và nhiều trung tâm y tế tuyến huyện, thị. “Một mình tôi chắc cũng làm được, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, vì tôi sẽ phải tích góp kinh phí dần. Nếu được hỗ trợ, công việc chắc chắn nhanh hơn nhiều. Giá trị của hội họa không nằm ở tiền, nhưng nếu không có tiền thì thật khó để hội họa đi vào đời sống, huống hồ là đi vào... bệnh viện”, họa sĩ Dung thực tế.
Nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện tại anh đã thực hiện kế hoạch khác cũng thú vị không kém: Tặng giấy, sáp màu và dạy bệnh nhi vẽ tranh ngay trong bệnh viện. Rất nhiều người thân và cả các y bác sĩ đã xúc động trước cảnh những đứa trẻ trong bộ đồng phục bệnh viện tay đưa nét chì màu tươi tắn giữa lúc bệnh tật hành hạ...
“Em không ngờ là vào đây mà còn được vẽ, lại có thầy dạy. Ở viện thì chả ai muốn đâu, nhưng như thế này... cũng được”. “Vẽ tranh làm em thấy thời gian ở viện qua nhanh, bớt nhàm chán và em cũng thấy mình khỏe hơn”... Những câu nói hồn nhiên ấy được các bệnh nhi chia sẻ khi chúng đang hí hoáy tô màu. Có vậy thôi, mà khi liếc về phía Trương Đình Dung, tôi thấy gã họa sĩ râu ria vội quay mặt đi để giấu giọt nước mắt vui sướng...
Bình luận (0)