Sách hay:

'Đứa trẻ cát': Một cuộc đời bị đánh cắp

Tuấn Duy
Tuấn Duy
12/08/2023 07:01 GMT+7

Với Đứa trẻ cát, câu hỏi về bản sắc cá nhân đặt trong nền xã hội Hồi giáo đã được làm rõ bằng chủ nghĩa huyền ảo và ngôn từ nhiều sức gợi.

Ra mắt năm 1985, Đứa trẻ cát là một tác phẩm táo bạo và đầy độc đáo của tiểu thuyết gia người Pháp gốc Morocco - Tahar Ben Jelloun. Xoay quanh câu chuyện của người phụ nữ bị buộc trở thành một người đàn ông bởi nếp nghĩ cũ, tác phẩm chứa nhiều giá trị ở các góc nhìn, từ phản ánh bản sắc cá nhân cho đến tình hình chính trị trong những hơi tàn của chủ nghĩa thực dân thập niên 1950.

Cuộc đời biến dị

Tác phẩm xoay quanh Ahmed, nhân vật sinh ra dưới một kỳ vọng cũng như "lời nguyền" quá sức chịu đựng. Là con gái thứ 8 trong một gia đình đã có 7 chị em, cô phải đối mặt với một tương lai có phần đau đớn khi cha là vị trưởng dòng, người nếu không có con trai nối dõi thì đó là lời sỉ nhục với bản thân ông và cả gia tộc.

Do đó bằng việc từ chối tuân theo số mệnh, Ahmed từ hơi thở đầu đã được nuôi dạy như một cậu bé với các đặc quyền, và rồi cuộc đời "nổi gió" từ đây. Nhưng liệu đó là ân phước hay một bi kịch còn đang chờ đón? Từ chính điều này, Tahar Ben Jelloun đã phơi bày khía cạnh lạc hậu của những quan niệm vốn vẫn được coi như các rường cột "đạo đức", thứ đã phá hủy rất nhiều con người cũng như cản trở con tạo xoay vần.

'Đứa trẻ cát': Một cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 1.

Tác giả Tahar Ben Jelloun và tiểu thuyết Đứa trẻ cát

Afrique Magazine - Hải Đăng

Dễ thấy trọng tâm của Đứa trẻ cát xoay quanh chủ nghĩa gia đình trị và tính nam độc hại. Ở đó, Jelloun phản ánh hiện thực của người phụ nữ lặng lẽ quấn mình trong chiếc áo tang im lặng, nơi vũ trụ của người đàn ông cao hơn tất cả những luân lý khác, và họ chỉ biết cúi mặt làm theo. Tại chính điểm này, Jelloun bắt gặp một sự đồng quy với một nhà văn lớn khác của Ai Cập mà ông cũng từng ngợi ca là Taha Hussein. Trong Dạ khúc chim, Hussein cũng đã viết về một phụ nữ rồi sẽ bị giết chính bởi chú mình vì một tình yêu vượt qua khuôn khổ giai tầng, tôn giáo và đức tin.

Thế nhưng bằng việc tạo ra nhân vật có phần ấn tượng, mà Jelloun tìm kiếm sự biến đổi ấy qua các nhận thức về sự trưởng thành, lớn lên và phát triển. Ở giai đoạn đó, Ahmed bắt đầu có những suy nghĩ rất riêng về đặc quyền đặc lợi mà mình được hưởng. Trong cô là một câu hỏi, liệu nên chấp nhận những lời dối trá để có vị thế cao hơn của người đàn ông, hay là sống đúng với bản năng mình, khi nó đồng nghĩa với việc chịu đựng số phận khắc nghiệt của người phụ nữ? Chính ở điều này mà những đối lập giới cũng đã xuất hiện nặng triết lý hơn và sâu sắc hơn.

Tahar Ben Jelloun đã đào rất sâu vào trong cốt lõi của truyền thống cũ, để từ đó quá trình dằn vặt cũng như biến đổi Ahmed từ quay cuồng tìm sự đổ lỗi như Frankenstein, đến tự hủy hoại trong những rạp xiếc, và rồi sau rốt, tất cả chỉ còn giọng nói của một câu chuyện vô danh được thừa kế lại.

Nhân rộng ra hơn câu chuyện cá nhân Ahmed, có phải ẩn đằng sau đó Jelloun cũng đang nhìn thấu xứ sở Morocco đang bị quấy nhiễu giữa hai thế lực thay nhau đổi chủ? Với việc lấy bối cảnh những năm 1950 khi việc thuộc Pháp đang dần suy yếu, ông đã cho ta thấy một cuộc tranh đấu giữa hai khía cạnh: một của truyền thống muôn đời, và một của giải phóng, tự do đang đến rất gần; một của thuộc địa hóa, và một của Morocco trên đường độc lập. Thế nhưng vài thập niên sau, Cách mạng Hồi giáo tiếp tục xuất hiện, cán cân lịch sử tiếp tục chao đảo, và cho đến cuối là sự tiến bộ không dễ đạt được.

Nghệ thuật viết ấn tượng

Viết về cuộc tranh đấu giữa mới và cũ, Tahar Ben Jelloun cũng rất bao quát khi biến hình thức văn chương thành phương tiện phản kháng hiện thực. Được kể từ ngôi thứ 3 bởi người kể chuyện lang thang, Đứa trẻ cát đã được thuật lại bằng nét văn hóa dân gian của người Morocco cũng như của toàn nhân loại, đó là nghệ thuật truyền miệng. Từ đó chuyện của Ahmed trở thành kinh điển và là hình mẫu mà bất cứ ai cũng đã nghe qua, kể lại, thêm vào vô tận là những dị bản rồi sẽ lưu truyền suốt nhiều thế hệ.

Tuy vậy, dù cuối cùng có đi đến đâu, cái khởi thủy của việc một người không được là mình bởi những truyền thống lạc hậu cũng được nhớ đến. Khi đã truyền tải được thông điệp này, Tahar Ben Jelloun bắt đầu chiêu đãi độc giả bữa tiệc văn chương đậm tính cá nhân, với chất thơ, từ ngữ giàu hình ảnh, chủ nghĩa huyền ảo cũng như ý tưởng về hậu hiện đại mang tính đổi mới độc đáo.

Cũng là nhà thơ được đánh giá cao, nên ngôn từ và những liên tưởng của chính tác giả là rất đáng nhớ. Chẳng hạn khung cảnh Almed lần đầu được tiếp xúc với những người phụ nữ, Jelloun hình tượng hóa ngôn ngữ như những hơi sương của nhà tắm công cộng, bay lên đến trần và rồi rơi xuống Ahmed. Ở những đoạn khác, các cách so sánh về nỗi tuyệt vọng của nhân vật chính cũng được gắn với rất nhiều hình tượng đậm tính tượng trưng, biến những dòng văn thành khúc kinh cầu đầy sự hoang hoải…

Cách viết hậu hiện đại cũng được Jelloun vận dụng một cách linh hoạt. Không chỉ trong việc thay đổi giọng kể một cách liên tục, mà ông còn gắn những sự liên tưởng - về hai khuôn mặt và hai bản thể, về nỗi sợ hãi với sự đa bội - bằng các chỉ dấu mang tính ám chỉ về tác phẩm của Jorge Luis Borges. Sáng tạo trong cuộc trò chuyện của hai bản thể cũng được giữ nguyên, chắc hẳn bắt nguồn từ việc ông là triết gia trước khi sang Pháp, nên những giằng giai trong từng bản thể đã được kể lại một cách phức tạp và đầy dấu ấn.

Nhưng quan trọng nhất đó là cách dùng huyền ảo có phần ma mị để khắc họa lại cả một truyền thống giờ đang thoi thóp. Nếu như Con nhân mã trong vườn của Moacyr Scliar dùng các tưởng tượng về một giống loài nửa người nửa ngựa để khái quát nên nỗi đau Do Thái, hay Lưỡng giới của Jeffrey Eugenides cũng biến nhầm sinh học thành ra nỗi đau gắn với lịch sử, thì Đứa trẻ cát vẫn mang theo mình một tiếng vọng lớn, từ phê phán ở đúng thời điểm mà nó ra đời và rồi vẹn nguyên ở thế giới văn minh hiện đại và tiến bộ hơn.

Bằng cách kể đậm tính Hồi giáo nhưng vẫn truyền được màu sắc hiện đại, qua Đứa trẻ cát, Tahar Ben Jelloun đã dẫn người đọc qua một hình trình vô cùng đặc biệt, xoáy sâu vào việc phân tách bản lai diện mục cũng như nói về Morocco còn nhiều dồn nén. Đây là khởi đầu cho cuốn tiếp theo 2 năm sau đó - Đêm thiêng, về số phận cuối cùng của Almed, để đưa ông lên vị trí cao vợi trên văn đàn Pháp, và giành giải thưởng Goncourt. 

Tahar Ben Jelloun là nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lý học, sinh năm 1944 tại Morocco. Vì những biến động chính trị mà năm 1971, ông chuyển đến Paris (Pháp), bắt đầu cuộc đời gắn bó lâu dài với đất nước này. Năm 1987, ông nhận giải thưởng Goncourt danh giá với cuốn Đêm thiêng. Năm 2005, ông được trao giải Ulysse cho toàn bộ văn nghiệp. Năm 2008, ông được bầu vào ghế thứ 6 của Hội Văn học Goncourt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.