Để chấn hưng và soi đường
Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa VN (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển dự kiến diễn ra ngày 27.2, tại Hà Nội là hoạt động chính của đợt hoạt động kỷ niệm 80 năm đề cương được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa quốc gia, cho biết hội thảo chia thành 2 phiên chính. Phiên thứ nhất về giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa VN. Phiên thứ hai tập trung về các vấn đề văn hóa, con người VN - nền tảng tinh thần, động lực phát triển trong giai đoạn mới.
PGS Phương cũng cho biết, ở phiên thứ hai, các vấn đề sẽ được "mổ xẻ" rất khoa học. "Ở phần này không né tránh. Chúng ta coi văn hóa là một mặt trận. Nếu là một mặt trận thì chúng ta phải đầu tư cho mặt trận đó, để biến văn hóa thực sự thành trụ cột, "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi". Tên hội thảo cũng là muốn chúng ta thực sự hiện thực hóa được khát vọng chấn hưng văn hóa của dân tộc", bà Phương nói.
Cũng theo bà Phương, hội thảo có thảo luận bàn tròn xoay quanh vấn đề tập trung giải pháp để phát triển văn hóa cho giai đoạn tới. "Ví dụ, chúng ta phải làm gì để văn hóa trở thành trụ cột của sự ưu tiên? Như trước đây trong chiến lược phát triển văn hóa, chúng ta phấn đấu văn hóa được đầu tư tối thiểu 2% ngân sách nhà nước. Nó cũng liên quan đến vấn đề thể chế hay hợp tác công - tư, các luật, các ưu đãi cho nghệ sĩ, tạo dịch chuyển sáng tạo trong công nghiệp văn hóa", bà Phương cho biết.
Theo Viện trưởng Viện Văn hóa quốc gia: "Quan điểm của hội thảo là phát triển văn hóa không phải câu chuyện riêng của ngành văn hóa. Chúng tôi mong muốn, các vấn đề đặt ra tại hội thảo này sẽ tạo ra sự chú ý, hình thành sự lan tỏa, có nhiều giải pháp đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa các nguồn lực văn hóa, để văn hóa thực sự là mặt trận ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội". Một quan điểm "cởi trói" nữa dự kiến cũng được bàn luận, là cần coi văn hóa là một ngành kinh tế mũi nhọn thì mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Hiện, hội thảo đã nhận được 154 bài tham luận. Trong số này có 20 bài viết tiêu biểu sẽ được chọn in thành sách. Số đại biểu dự hội thảo dự kiến là 300 người.
Tư liệu ảnh, tư liệu phim
Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết Cục sẽ tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN được thông qua.
Triển lãm có 80 ảnh, bao gồm các ảnh tư liệu rất quý. Đó là những tư liệu ảnh Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, quan tâm đến văn hóa. Một trong số đó là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dự triển lãm văn hóa do Hội Cứu quốc tổ chức tại trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức (Hà Nội) năm 1945, hiện nay là góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ.
CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT
NSND Trần Bình, đại diện nhóm dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN được thông qua, cho biết chương trình có độ dài 70 phút. "Chương trình có 3 chương. Chương 1: văn hóa là "ngọn đuốc soi đường quốc dân đi". Đây là lời Bác Hồ nói. Chương 2 nói về sự dấn thân của văn nghệ sĩ vào các cuộc kháng chiến cứu nước. Chương 3 là văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa. Phần này gồm những bài hát trong các cuộc kháng chiến", ông Bình nói.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, dù là các bài hát đã "đi cùng năm, tháng", song chương trình sẽ đem lại bất ngờ. Có những thứ lần đầu tiên được đưa lên sân khấu; cũng có 2 bài hát đặt hàng riêng cho chương trình này, riêng chủ đề này.
Triển lãm cũng có bộ ảnh liên quan đến hệ giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản được chọn như nghệ thuật xòe Thái, nghệ thuật làm gốm của người Chăm… là những di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN được thông qua có 10 tác phẩm được chọn. Phim cũng được chiếu trên toàn quốc, tại các trung tâm văn hóa của 63 tỉnh, thành để đồng bào cùng được xem. "Có những phim đã được chiếu rồi nhưng vẫn chiếu lại. Chúng ta xem lại phim của những nghệ sĩ đã có cống hiến", bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết trong tuần phim có chùm phim gồm 2 phim vừa mới sản xuất, nghiệm thu năm vừa rồi, đã chiếu thành công trên truyền hình năm 2022. Đấy là chùm phim Hồ Chí Minh, 1946. "Chùm phim này do một công ty không phải doanh nghiệp nhà nước sản xuất", ông Đông cho biết.
Bình luận