Ngành văn hóa phập phù chuyển đổi số

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/09/2021 06:32 GMT+7

Chuyển đổi số cho phù hợp với tình hình dịch Covid-19 là phép thử với ngành VH-TT-DL, nhưng nó đang cho thấy sự lúng túng.

Diễn đàn trực tuyến “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành VH-TT-DL” của Bộ VH-TT-DL diễn ra ngày 22.9 cho thấy nhiều hoạt động của ngành này đã đứt quãng trong thời gian đại dịch 2 năm qua: từ du lịch đến nghệ thuật biểu diễn, từ thư viện đến bảo tàng, từ văn hóa cơ sở đến di sản…
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL đánh giá tác động của đại dịch với ngành này, các bảo tàng hoàn toàn không có nguồn thu; hệ thống thư viện trong cả nước dừng phục vụ tại chỗ hoặc tạm thời đóng cửa trụ sở; các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai, chỉ có 3 kịch bản thẩm định trong năm 2021; lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại nước ngoài, giao lưu văn hóa trong nước, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật đều “đóng băng”… Với du lịch, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm gần 30% doanh nghiệp đã cấp phép.

Gập ghềnh kết nối

Ngành VH-TT-DL cũng coi thời gian gián đoạn vừa qua là dịp để đẩy mạnh chuyển đổi số hóa cho phù hợp với thời đại 4.0. Tuy nhiên, con đường này cũng gập ghềnh, phập phù.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, cho biết ngoài kho dữ liệu số về di sản ở cục, một số địa phương cũng có lưu trữ riêng. Nhiều nơi có dữ liệu hiện vật, và thống nhất chia sẻ lẫn nhau như một số bảo tàng thuộc Bộ và phòng trưng bày khảo cổ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Mặc dù vậy, vấn đề nổi lên là các ứng dụng chưa liên thông, chưa đồng bộ, chưa có chuẩn chung. Việc số hóa nhằm xây dựng dữ liệu quốc gia cũng vậy, chưa tập trung được. Chưa kể việc số hóa đòi hỏi đầu tư lớn, song lại chưa thể xã hội hóa; nhân lực cơ sở cũng đặc biệt thiếu.
Với ngành nghệ thuật biểu diễn, việc số hóa cũng nan giải dù một số chương trình biểu diễn online vừa qua cũng thu hút được cả triệu lượt xem. Song vấn đề là số lượt xem này lại không nằm trên kênh của nhà hát hay của Cục Nghệ thuật biểu diễn mà lại nằm ở “quyền lực ngôi sao”. Chẳng hạn, chương trình Cháy lên của Bộ VH-TT-DL lại có nhiều người xem khi link được dẫn về kênh Facebook cá nhân của NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Thêm vào đó, các chương trình mới chỉ loanh quanh với nội dung từ các nhà hát thuộc Bộ. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng thì “có tới cả ngàn đơn vị chứ đâu chỉ các nhà hát thuộc Bộ”.
Đáng chú ý khi ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng sau này Cục sẽ có văn bản xin ý kiến để thiết lập kênh trên YouTube hay mạng xã hội để truyền thông quảng bá và thu hút khán giả theo dõi. “Tiến tới sẽ làm kênh phát sóng có thu phí. Tức là đưa nội dung vào đó, khán giả vào thì trả phí nhất định để xem”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, điều đáng bàn là chất lượng các chương trình biểu diễn online vừa qua không cao cả về truyền dẫn lẫn nội dung, thì liệu có đủ sức thu hút khán giả.

Hầu hết là đặt hàng từ lãnh đạo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có nhiều câu hỏi cho lãnh đạo các đơn vị trong suốt thời gian diễn ra diễn đàn. Với thực trạng bảo tàng, ông cho rằng đây là thiết chế văn hóa được đưa vào quy định pháp luật, vì thế tỉnh nào cũng có nhưng hầu như “đắp chăn”.
Ông Hùng cũng đánh giá về chuyển đổi số: “Muốn chuyển đổi số mà con người không có, am hiểu công nghệ không nhiều, nguồn lực rải rác… Khi chúng ta chỉ loay hoay sự vụ, tìm kiếm hoạt động nghệ thuật đơn lẻ, dù không sai nhưng chỉ là “cờ đèn kèn trống”. Chúng ta thấy việc chuyển hướng vẫn theo đợt và ở góc độ nào đó vẫn mang tính phong trào”.
Cũng theo ông Hùng, nhiều đơn vị nghệ thuật không làm được chương trình, trong khi một chương trình nghệ thuật nhỏ của một nhóm văn nghệ xung kích của đoàn nghệ thuật đến một chốt phòng, chống dịch biên giới còn có giá trị hơn tất cả diễn văn của lãnh đạo. “Hầu hết (công việc) là đặt hàng từ lãnh đạo, giao cho phải làm. Tất nhiên khi làm cũng có sáng tạo, nhưng còn nhiều điểm nghẽn”.
Ông Hùng cũng chốt lại: “Chủ đề 2021 là năm cơ chế chính sách. Nhiệm vụ của ngành là quản lý tốt. Bộ, sở hay phòng cũng phải làm quản lý, và bắt đầu từ chính sách… Cái chúng ta cần là chuyên sâu hơn”.
Chiều 22.9, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội công bố việc ủy ban này phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức Hội thảo du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”. Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12. Ngoài phiên thảo luận về những vấn đề của ngành du lịch, hội thảo có 3 chuyên đề tập trung vào các nội dung: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.