Trên thực tế, không ít trường hợp ngang nhiên vi phạm luật giao thông mà lực lượng chức năng không thể phát hiện và xử lý, vì đơn giản là diễn ra ở những vị trí ngoài tầm giám sát của cảnh sát giao thông (CSGT) trực tiếp hoặc gián tiếp qua hệ thống camera của ngành.
Lực lượng CSGT dù có thêm nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ như camera ghi hình hiện trường vi phạm thì cũng chỉ có thể giám sát trong một phạm vi cho phép. Thế mới có chuyện bác tài xe buýt ngang nhiên vượt đèn đỏ mới đây ở TP.HCM. Mà có riêng gì xe buýt, nhiều trường hợp từ ô tô đến xe máy thản nhiên bỏ qua luật lệ giao thông nếu không nhìn thấy CSGT.
Câu hỏi nên chia sẻ trong cộng đồng là liệu việc giám sát tuân thủ luật lệ giao thông có nhất thiết chỉ là công việc của CSGT và chỉ của CSGT mà thôi? Đương nhiên rồi, đó là phần trách nhiệm của cơ quan chức năng, nói theo lẽ thường, là lực lượng ăn lương để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng có thể có cách nghĩ khác, là tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác giám sát của cộng đồng đối với việc tuân thủ luật lệ xã hội nói chung, trong trường hợp này là luật giao thông. “Đối tượng chấp hành” hoàn toàn có thể có vai trò “chủ thể” nếu chính quyền chủ động điều chỉnh cách thức huy động sự tham gia của người dân. Trường hợp mới đây CSGT TP.HCM dựa trên hình ảnh ghi nhận từ camera hành trình trên xe của người dân để xử phạt tài xế xe buýt vượt đèn đỏ có thể xem là một gợi ý tốt cho việc lực lượng chức năng chủ động hợp tác với người dân để mở rộng “tai mắt” giám sát của mình.
Nhìn rộng ra, một mạng lưới đang ngày càng mở rộng của các camera an ninh hộ gia đình, công ty, xí nghiệp, camera hành trình hứa hẹn sẽ giăng ra một tấm “lưới trời” đối với nhiều loại tội phạm, đối với nhiều hành vi vi phạm. Vấn đề là, cơ quan chức năng nên đặt vấn đề hợp tác với “mạng lưới tai mắt cộng đồng” để tăng cường hiệu lực giám sát tuân thủ luật lệ, chứ đừng chỉ dừng lại ở việc xử lý cá biệt một vài trường hợp.
Thiết nghĩ, một lực lượng “CSGT điện tử” cũng nên hình thành và có phương án hợp tác chuyên nghiệp, hợp pháp, hợp lý để huy động sự hỗ trợ của người dân cho nỗ lực chung đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Cần một kênh thu nhận dữ liệu vi phạm dễ dàng, thuận tiện để bất kỳ người dân nào cũng có thể gửi vào cung cấp như cách thông qua mạng xã hội của CSGT Đà Nẵng… chính là một cách “huy động nguồn lực camera trong dân”. Khi ai cũng biết rằng bất kỳ vi phạm nào dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời điểm nào đều có thể bị ghi nhận và xử phạt, ắt hẳn ý thức chấp hành pháp luật sẽ được nâng cao.
Bình luận (0)