Vì sao không gỡ ?

10/12/2022 06:21 GMT+7

Những tuần cuối cùng của năm 2022 đang trôi qua rất nhanh và mục tiêu thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam cầm chắc không đạt.

Kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy nhiều thị trường quan trọng đã tác động lớn đến nhu cầu du lịch toàn cầu và chúng ta cũng không ngoại lệ. Chỉ tiếc là, một số nút thắt được đề xuất, kiến nghị tháo ra từ khá sớm để tăng tính cạnh tranh cho môi trường du lịch trong nước đã không được thực hiện.

Đầu tiên phải nói đến là chính sách visa. Ngay từ đầu năm, khi chúng ta mở cửa du lịch, vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch mong muốn nhất chính là một chính sách visa thông thoáng, thuận tiện. Rất dễ hiểu. Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên thế giới chạy đua mở cửa thị trường thời hậu Covid-19, có quá nhiều sự lựa chọn cho du khách. Vì thế, cuộc cạnh tranh không chỉ còn là chất lượng sản phẩm dịch vụ; không chỉ là sự độc, lạ... mà còn là các thủ tục đơn giản nhất, dễ dàng nhất.

Thế nhưng, cuối năm nhìn lại, nút thắt visa vẫn còn đó. Cũng đầu năm chúng ta “chẩn bệnh” rằng quảng bá, truyền thông điểm đến của Việt Nam còn yếu, cần phải đẩy mạnh. Đặc biệt là khi Việt Nam có “vũ khí hạng nặng”, đó là thủ tục dịch tễ thông thoáng hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới. Ở trong nước, các điểm đến, các nhà phát triển du lịch cũng “bắt trend” khi đưa ra một loạt các sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khỏe, các dịch vụ gắn với trị liệu, làm đẹp; hoạt động thể thao như thiền, yoga, dưỡng sinh tại những khu nghỉ dưỡng, các không gian yên tĩnh, vắng vẻ...

Thế nhưng, cuối năm nhìn lại, chỉ có các hiệp hội ngành nghề liên quan tự quảng bá, tự truyền thông... lẻ tẻ mà chưa có một chiến dịch lớn mang tầm quốc gia ở các thị trường khách mà chúng ta hướng tới. Rồi chuyện chi phí cao do nội lực của các doanh nghiệp ngành này suy kiệt vì không tiếp cận được các gói hỗ trợ, thiếu sự liên kết dẫn đến giá tour của chúng ta kém cạnh tranh...

Dẫn ra để thấy, không có vấn đề gì mới, chỉ là những nút thắt chưa được tháo, những giải pháp cần chưa được thực hiện. Nó góp một phần không nhỏ vào mục tiêu thu hút khách quốc tế chưa đạt được của ngành du lịch trong năm nay.

Đáng tiếc hơn nếu nhìn lại sự nỗ lực của nhiều tỉnh/thành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành này. Có lẽ chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến lãnh đạo các địa phương nỗ lực xúc tiến du lịch như năm nay. Lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng qua Nhật, qua Singapore quảng bá về địa phương mình; lãnh đạo TP.HCM kết nối khắp nơi, ra sản phẩm liên tục; các doanh nghiệp bị Covid-19 “quần thảo” mấy năm liền vẫn gượng dậy chung tay góp sức. Nhiều địa phương ra tận sân bay tặng hoa, tặng sim điện thoại, gói cước dữ liệu, tung ra các chương trình kích cầu rầm rộ... Không hề quá lời khi nói, chúng ta “nâng niu” từng du khách.

Nhưng thế thôi thì chưa đủ! Khó khăn “chưa từng có trong lịch sử” thì cần có giải pháp đặc thù, phải có huy động sức mạnh tổng lực thì may ra... Tuy nhiên, như nói trên, vẫn có nhiều giải pháp đã đưa ra mà chúng ta chưa làm hoặc làm chưa tới.

Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với ngành du lịch khi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với lạm phát, giá cả tăng cao, người dân siết chặt chi tiêu... Nhưng dư địa để thu hút du khách quốc tế của Việt Nam vẫn còn, đặc biệt là thị trường khách lớn nhất Trung Quốc đã có tín hiệu mở cửa trở lại. Chỉ cần chúng ta thực sự quyết liệt tháo những “nút thắt” cũ để thúc đẩy dòng chảy khách mới...

Đừng để cuối năm nhìn lại, nuối tiếc!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.