Các ông này đều bị kỷ luật cảnh cáo do có những khuyết điểm khác nhau, nhưng chưa tới mức bị cách chức. Theo thông lệ từ các nhiệm kỳ trước, họ hoàn toàn có thể “tại vị” cho tới hết nhiệm kỳ.
Thực tế, từ chức hay bản chất là thay thế những cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu hay uy tín giảm sút đã được T.Ư Đảng nhắc tới từ lâu. Phương châm “có vào thì có ra, có lên thì có xuống” đã xuất hiện trong nhiều văn bản, quy định của Đảng từ 20 năm trước. Song, như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chỉ rõ tại Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII hôm 6.12, là “chưa thực hiện được bao nhiêu”. Ông Võ Văn Thưởng đã ví von một cách sinh động: “Lên thì khó nhưng mà xuống, cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn. Vào thì khó, quy trình 5 bước, mấy lên mấy xuống; nhưng đưa ra cũng toát mồ hôi hột, rất khó”.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước, ông Võ Văn Thưởng cho rằng cần phải tạo một “sức ép” từ trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm hoặc năng lực không đáp ứng vị trí công việc. Chính vì thế, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; tiếp đó là Kết luận 20 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Nghị quyết 28 Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII mới được ban hành cũng nhấn mạnh: “Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống””.
Không chỉ các Ủy viên T.Ư Đảng, nhiều chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh vừa qua khi mắc khuyết điểm, bị kỷ luật cũng đã xin thôi. Nhiều người theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, xin chuyển xuống vị trí thấp hơn để tiếp tục cố gắng với tinh thần “vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó”.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII vừa qua, quan điểm của T.Ư Đảng về vấn đề thay thế, bố trí lại cán bộ một lần nữa được nhấn mạnh và theo Thường trực Ban Bí thư, việc tạo ra “sức ép” từ trong nội bộ Đảng, trong xã hội, là một cách làm mới và đang mang lại những kết quả bước đầu, tích cực. Quan trọng hơn, chủ trương này tạo ra điều kiện cần rất quan trọng để từ chức trở thành văn hóa - tức là khi cán bộ ý thức được việc từ chức như một tiêu chuẩn đạo đức công vụ, chứ không phải đong đếm các “căn cứ” để từ chức.
Bình luận (0)