Ngoài vấn đề cá nhân, phải thừa nhận rằng hiệu trưởng hiện nay vừa thiếu trang bị nhiều thứ mà lại phải làm nhiều việc ngoài chuyên môn.
Mới đây, hiệu trưởng một trường tiểu học ở H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhắc học sinh (HS) chưa đóng bảo hiểm y tế trong giờ sinh hoạt đầu tuần, sau đó phụ huynh cầm dao vào trường buộc hiệu trưởng quỳ xin lỗi. Câu chuyện khiến dư luận thảng thốt này là điển hình cho việc hiệu trưởng phải làm những điều không thuộc chuyên môn, bổn phận của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Dư luận trách hiệu trưởng sao ứng xử “phản giáo dục” khi bêu tên HS trước tập thể. Đúng là hành động này thật không nên nhưng trước áp lực của những trách nhiệm khác thì người ta dễ sao nhãng chức trách của một nhà giáo dục.
Rất nhiều hiệu trưởng chia sẻ khi điều hành trường, họ một lúc “đóng 3 vai”: nhà chính trị, nhà kinh tế và nhà giáo dục. Đáng nói là đôi lúc hai vai kia nổi trội hơn cả vai giáo dục và đặc biệt “đau đầu” ở vai trò “nhà kinh tế”. Trong đó, đặc biệt khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất… hiệu trưởng phải am hiểu việc lập đề án vay, các bước thẩm định, phê duyệt, thu tiền xã hội hóa từ HS… Những điều này ẩn chứa rất nhiều thách thức và cũng đầy cạm bẫy mà theo lời một hiệu trưởng là có thể dẫn đến vi phạm.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính hiện nay đôi khi trở thành công việc chủ yếu của các hiệu trưởng đến mức người đứng đầu các trường không còn nhiều thời gian đầu tư tâm sức để cải thiện, nâng cao vào công việc chính - giáo dục HS.
Hầu hết các hiệu trưởng đều mong muốn được “cởi trói” để thực hiện đúng chức phận của mình. Một hiệu trưởng tâm sự: “Tôi có một số lần được đi công tác ở nước ngoài và thấy ở các nước, nhà giáo nói chung chỉ cần làm tốt nhất chuyên môn giáo dục của mình, còn lại việc quản lý thu chi tiền nong sẽ có bộ phận khác lo. Như vậy sẽ đảm bảo minh bạch, vị thế người thầy cũng không bị ảnh hưởng”. Một hiệu trưởng có 10 năm ở trường công, nay chuyển sang trường tư nhìn nhận: “Hiệu trưởng trường tư có “nhẹ gánh” hơn hiệu trưởng trường công ở chỗ bớt được áp lực về quản lý tài chính”. Chính vì vậy mà có hiệu trưởng dự đoán khoảng vài năm nữa lực lượng này sẵn sàng rời trường công qua trường tư để làm đúng với trách nhiệm hoạt động dạy và học vì ở trường công phải làm quá nhiều nhiệm vụ.
Công việc sẽ hiệu quả hơn nếu được chuyên môn hóa. Hiệu trưởng ngày nay cũng cần xem là một nghề nên cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuyên trách cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đang trong tiến trình đổi mới theo hướng tiên tiến, nhân văn, tập trung vào sự phát triển cá thể người học. Để hiệu trưởng toàn tâm, toàn ý với công việc chính, cần phải thay đổi cách quản trị ở trường học. Theo đó, cần một vị trí giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tài chính, kinh tế, chẳng hạn có thể gọi là “giám đốc”, với quyền hạn và trách nhiệm tương ứng.
Triết gia Plato cho rằng giáo dục là để mở mang và khai sáng con người. Mục đích của giáo dục không phải chỉ thu thập kiến thức mà còn phát triển tâm hồn con người cùng với trách nhiệm và bổn phận công dân. Rõ ràng, các nhà trường cần một hiệu trưởng để thực hiện chức trách này chứ không phải xem xét bao nhiêu HS đã đóng học phí, mua bảo hiểm y tế hay chưa...
Bình luận