Đưa VN trở thành trung tâm tài chính mới ở châu Á

06/01/2025 06:18 GMT+7

Khi xây dựng thành công trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế, VN có thể trở thành trung tâm huy động vốn của thế giới, từng bước vươn lên làm chủ "cuộc chơi" chứ không đơn thuần là quốc gia tham gia "sân chơi" tài chính toàn cầu như hiện tại.

Nâng giá trị gia tăng, dễ dàng huy động vốn

Nhìn nhận xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế và khu vực tại TP.HCM, Đà Nẵng là bài toán khó, song chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), đánh giá rất cao quyết tâm này. "Việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế hay đường sắt cao tốc Bắc - Nam, phát triển công nghiệp bán dẫn… đều theo tinh thần đề ra là muốn thực hiện rất nhanh. Nhiều người nghĩ là phiêu lưu, nhưng theo tôi điều đó thể hiện khát khao vươn mình, những quyết tâm khiến cả hệ thống phải chuyển động", ông Phương nói.

e62a9c260a59b607ef482.jpg

A1.jpg

VN có nhiều thuận lợi để trở thành TTTC mới của khu vực

Ảnh: Độc Lập

Theo ông Lê Quốc Phương, nếu xây dựng được TTTC mang tầm vóc khu vực và quốc tế, VN sẽ thu hút được các định chế tài chính hàng đầu, trở thành trung tâm huy động vốn của thế giới. "TTTC không chỉ là mấy ngân hàng lớn mà gồm cả các lĩnh vực như ngoại hối, chứng khoán, bảo hiểm, môi giới… Đi theo đó là các dịch vụ hỗ trợ như du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu mậu dịch tự do, nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả casino… Nếu chúng ta xây dựng thành công các TTTC, chúng ta không chỉ phát triển được thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng mà cả thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh, các dịch vụ bổ trợ cũng sẽ rất phát triển. Quan trọng nhất là VN sẽ trở thành một bên định ra luật chơi, làm chủ cuộc chơi chứ không chỉ tham gia sân chơi như hiện tại", ông Phương nhấn mạnh.

Từ Mỹ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nói rõ về mặt định nghĩa, TTTC được hiểu là một thành phố có vị trí chiến lược, có sự hiện diện của các tổ chức tài chính hàng đầu, có sở giao dịch chứng khoán uy tín, là nơi tập trung các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân, các công ty bảo hiểm. Đây là nơi cung cấp các dịch vụ về tài chính cũng như hạ tầng thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động liên quan đến tài chính, kinh tế.

Trong khu vực châu Á hiện có 3 TTTC nổi bật là Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải. Trong đó, Singapore gần chiếm vị trí áp đảo. Có rất nhiều dịch vụ liên quan đến tài chính, đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp (DN) VN và một số nước khác, hay liên quan đến DN quốc tế hiện phải thực hiện tại Singapore. "Có thể hiểu đơn giản, VN đang muốn mang những dịch vụ này về, trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ, hoạt động tài chính của khu vực. Mục tiêu trở thành TTTC của khu vực thể hiện khát vọng, ước muốn của VN coi tài chính là dịch vụ quan trọng cho phát triển kinh tế, trở thành nơi giao dịch vốn, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho VN mà còn cho các nước trên thế giới, gần nhất là các nước trong khu vực", ông Du giải thích.

Cả 3 vấn đề cốt lõi này (thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực) đều phải được thực hiện một cách cụ thể, chi tiết bằng những sản phẩm, dịch vụ. Chúng ta có thể đặt mục tiêu từng bước nhỏ, bắt đầu từ việc trở thành TTTC của khu vực Đông Dương, vì so với Lào, Campuchia, Myanmar… thì mình có nhiều thuận lợi, lợi thế hơn. Thay vì lập tức cạnh tranh với Singapore, nên chọn mục tiêu từng bước ngắn hạn, cụ thể để khát vọng TTTC không trở nên viển vông.

TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế

Cụ thể hơn, chuyên gia này nói TTTC sẽ mang lại cho VN 2 cái lợi lớn. Thứ nhất là giá trị gia tăng trực tiếp từ các hoạt động, dịch vụ tài chính. VN sẽ cung cấp dịch vụ liên quan tới giao dịch ngân hàng, giao dịch chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, trung tâm dịch vụ thanh toán… và thu phí. Thứ hai, có TTTC thì các DN nội nói riêng, nền kinh tế VN nói chung sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn đa dạng hơn, dễ dàng hơn, được hưởng các dịch vụ tài chính tốt hơn. Bên cạnh đó còn có lợi ích về mặt hình ảnh là thể hiện sự hiện đại của nền kinh tế, tính năng động, hội nhập, vai trò của nền kinh tế VN khi trở thành nơi kết nối với các nền kinh tế bên ngoài.

Nhiều lợi thế nhưng yếu hạ tầng

Phân tích chi tiết về thuận lợi và thách thức trong xây dựng TTTC tại TP.HCM và Đà Nẵng, TS Huỳnh Thế Du nhận xét: VN có vị trí địa chính trị tốt. Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thiện, vùng TP.HCM có thể trở thành đầu mối giao thông, hub logistics của cả khu vực. VN có độ mở kinh tế lớn, có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, cạnh đó còn có sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, một thông tin quan trọng là tại TP.HCM, giá trị gia tăng của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tính theo GDP bình quân của 1 lao động vượt trội hơn tất cả ngành khác. Đây là những lợi thế.

Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân so sánh cùng các TTTC hiện hữu, thậm chí chỉ so với Bangkok (Thái Lan) hay Kuala Lumpur (Malaysia), ông Du bày tỏ quan ngại khi hạ tầng của VN còn cách khá xa, cả về hạ tầng vật chất và hạ tầng số. Vì vậy, để thành công trở thành TTTC thì hạ tầng giao thông, logistics, nền tảng số của VN phải được tập trung cải thiện mạnh mẽ, tăng gấp nhiều lần, phải đạt đến mức độ rất cao so với mức độ hiện tại của TP.HCM nói riêng và VN nói chung. Ngoài ra, độ mở về các dịch vụ tài chính như đồng tiền số, cho vay ngang hàng, quản lý dòng vốn quốc tế hay các vấn đề về môi trường sống, chất lượng nguồn nhân lực cao… của VN cũng cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Đồng quan điểm về những lợi thế khi lựa chọn TP.HCM và Đà Nẵng để xây dựng TTTC, chuyên gia Lê Quốc Phương đánh giá TP.HCM hiện đứng đầu cả nước về quy mô sản xuất, số DN cũng lớn nhất. Đây là địa phương có tính năng động cao, được T.Ư trao cho những cơ chế đặc thù, có nhiều điều kiện vượt trội so với cả nước. Trong khi đó, Đà Nẵng có vị trí rất thuận tiện khi nằm ở khu vực giữa đất nước, là thành phố du lịch lớn, thiên về dịch vụ hơn sản xuất, cũng có những chính sách đặc thù để phát triển…

Dù vậy, ông Phương khá băn khoăn việc dồn lực xây dựng 2 TTTC trong cùng một thời điểm bởi dễ gây trùng lắp, phân tán nguồn lực. Vì thế, chuyên gia này cho rằng trước mắt nên dồn lực tập trung xây dựng TTTC quốc tế tại TP.HCM. Khi nguồn lực đủ lớn và có thêm kinh nghiệm, khả năng, VN có thể xây dựng các TTTC tiếp theo.

Ở một góc độ khác, TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, nhìn nhận hệ thống tài chính toàn cầu đang trong quá trình định hình lại, tạo cho VN cơ hội trở thành TTTC quốc tế mới trong khu vực châu Á. Theo ông, VN sở hữu các yếu tố thuận lợi như vị trí địa chính trị thuận lợi tại trung tâm của khu vực; sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục diễn ra sâu rộng… Tuy nhiên, ông Thuận cũng chỉ ra nước ta vẫn còn điểm yếu như chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, khuôn khổ thể chế, nguồn nhân lực…

Đột phá thể chế, chính sách

Trên cục diện đó, để thành công xây dựng các TTTC khu vực và quốc tế, theo ông Huỳnh Thế Du, VN cần xây dựng kế hoạch chi tiết tập trung vào 3 yếu tố cốt tử là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, thể chế bao gồm các chính sách liên quan đến mở cửa tự do hóa các dịch vụ tài chính, tự do hóa các dòng vốn. Kết nối liên thông với bên ngoài không chỉ đơn thuần là về mặt kỹ thuật mà quan trọng nhất là cơ chế, tỷ giá đồng tiền hay những chính sách về quản lý ngoại hối, quản lý dòng vốn, chính sách thuế… của VN sẽ vượt trội như thế nào so với Hồng Kông, Singapore? Họ đưa ra những chính sách ưu đãi rất hấp dẫn, mức thuế thấp, liệu VN có thể cạnh tranh được hay không? Đây là những nền tảng căn cơ cần nghiên cứu, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Đưa VN trở thành trung tâm tài chính mới ở châu Á- Ảnh 3.

VN phải tăng tốc hạ tầng nếu muốn xây dựng thành công TTTC quốc tế

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Về hạ tầng, không chỉ là những hạ tầng vật chất căn bản, hạ tầng số mà còn phải tính tới các hạ tầng mềm, hạ tầng xã hội như chất lượng giáo dục, môi trường sống, những vấn đề liên quan… Tương tự, nguồn nhân lực của VN trong ngành tài chính và các lĩnh vực liên quan cũng phải được cải thiện mạnh mẽ. "Cả 3 vấn đề cốt lõi này đều phải được thực hiện một cách cụ thể, chi tiết bằng những sản phẩm, dịch vụ. Chúng ta có thể đặt mục tiêu từng bước nhỏ, bắt đầu từ việc trở thành TTTC của khu vực Đông Dương, vì so với Lào, Campuchia, Myanmar… thì mình có nhiều thuận lợi, lợi thế hơn. Thay vì lập tức cạnh tranh với Singapore, nên chọn mục tiêu từng bước ngắn hạn, cụ thể để khát vọng TTTC không trở nên viển vông", TS Huỳnh Thế Du lưu ý.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), phân tích: Đi kèm với xây dựng TTTC quốc tế phải là thể chế chính sách riêng cho TTTC quốc tế. Khi mở ra TTTC quốc tế, đòi hỏi các tiêu chuẩn về tài chính phải được chuẩn hóa so với quốc tế, vừa nâng cao năng lực quản trị tài chính, vừa có những yêu cầu về quản trị rủi ro. TTTC quốc tế phải có cơ chế, chính sách riêng. Chính sách đó là gì, chính sách quản lý tiền tệ ra sao, chính sách an ninh quốc phòng, quản trị rủi ro thế nào… đều phải nghiên cứu kỹ. "Mô hình TTTC ở Đà Nẵng và TP.HCM khác nhau nên cơ chế cho TP.HCM sẽ phải khác hoàn toàn so với cơ chế tại Đà Nẵng", bà Thảo lưu ý.

Để đưa VN trở thành TTTC mới ở châu Á, ông Lê Quang Thuận kiến nghị cần có những thay đổi đột phá trong thể chế, chính sách. Cụ thể, về thể chế kinh tế thị trường, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế được vận hành, thực hiện theo đúng nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo dẫn dắt của nhu cầu thị trường và xã hội. Cạnh đó, cần luật hóa đầy đủ, cụ thể các quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp, của các chủ thể hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế; tạo môi trường pháp lý để các chủ thể trong nền kinh tế có điều kiện cơ hội tiếp cận đưa vào khai thác, sử dụng, tận dụng tối đa các nguồn lực, yếu tố đầu vào cho phát triển sản xuất.

Song song, VN cần xây dựng lộ trình tự do hóa tài chính hợp lý, đồng bộ với khung thể chế, chính sách vĩ mô, chú ý lựa chọn phương thức và lộ trình tự do hóa tài chính thích hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Về nguồn nhân lực, cần hoàn thiện chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao phù hợp với bối cảnh, yêu cầu của hội nhập quốc tế; ưu tiên đào tạo, phát triển nhân lực trong một số ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; quy hoạch, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại; đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế. VN cần coi trọng hội nhập đồng thời trên cả 3 cấp độ: toàn cầu, khu vực và song phương; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Ngày 15.11.2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW kết luận về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại VN. Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM và TTTC khu vực tại TP.Đà Nẵng.

Lựa chọn phát triển các TTTC có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không biệt lập; theo mô hình kết hợp với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình. TTTC được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Theo đề án của Bộ KH-ĐT, mục tiêu cụ thể đặt ra là thành lập TTTC vào năm 2025, phát triển TTTC khu vực vào năm 2035, TTTC quốc tế vào năm 2045.

TP.HCM đề xuất thực hiện tại khu vực Q.1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm trong khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha. Đồng thời, phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở khu Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha.

Tại Nghị quyết của Chính phủ về ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC quốc tế tại VN vừa công bố, Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho 12 bộ ngành, địa phương, gắn với các sản phẩm đầu ra, chuẩn bị khung pháp lý và điều kiện nền tảng. Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo liên ngành về TTTC khu vực và quốc tế do Thủ tướng Phạm Minh Chính là trưởng ban và 6 phó trưởng ban.

Muốn tiến tới xây dựng thành công TTTC khu vực và quốc tế, trước hết phải đảm bảo xây dựng tốt hạ tầng cứng như nhà cửa, đường sá…; hạ tầng mềm là thiết chế luật pháp và hạ tầng số. Môi trường kinh doanh phải tốt, thông thoáng hơn. Đặc biệt, VN cần tập trung phát triển nguồn nhân lực để đủ sức phục vụ TTTC quốc tế.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.