Đưa xà phòng sinh học ra đảo xa

Thu Hằng
Thu Hằng
03/11/2018 08:36 GMT+7

Đại úy Nguyễn Khánh Việt và các đồng đội ở Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học - Công nghệ quân sự) đã nghiên cứu, sản xuất xà phòng sinh học, có thể sử dụng trong điều kiện nước mặn.

Sản phẩm thân thiện với môi trường
Đại úy Việt (34 tuổi) cho biết: “Tại một số đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn DK và tàu trực trên biển, việc sử dụng nước ngọt chủ yếu dựa vào nguồn nước ít ỏi được dự trữ, nước mưa và được tiếp tế từ đất liền nên trong sinh hoạt phải hết sức tiết kiệm và được quản lý chặt chẽ. Nhiều khi các chiến sĩ phải sử dụng nước biển để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như tắm, giặt... nhưng việc sử dụng nước biển để tắm giặt với xà phòng thông thường trên thị trường không đạt được hiệu quả như mong đợi”.
Theo đại úy Việt, trong nước mặn, xà phòng tạo bọt kém, độ ổn định bọt không cao, dẫn tới độ tẩy rửa thấp, làm quần áo sau khi giặt không sạch, nhanh hỏng. Ngoài ra, các chất tẩy rửa thông thường có chứa nhiều thành phần khó phân hủy sinh học, có nguồn gốc từ dầu mỏ, với nhiều thành phần hóa học dễ dàng thẩm thấu qua da nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh ngoài da, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường sinh thái.
Qua tham khảo tài liệu, đại úy Việt được giao làm chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu, tổng hợp chế phẩm tẩy rửa thân thiện với môi trường, sử dụng trong điều kiện nước mặn” nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Trường Sa; nâng cao chất lượng sống, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện tác chiến khu vực biển đảo.
Đại úy Việt chia sẻ: “Chúng tôi quyết định tự mày mò nghiên cứu lựa chọn những thành phần có khả năng phân hủy bởi vi sinh vật cao. Sau đó, chúng tôi tiến hành tổng hợp được chất hoạt động bề mặt từ dầu thực vật (dầu dừa) theo hướng bền với nước mặn; đồng thời phối hợp với các thành phần có nguồn gốc từ tự nhiên khác để khảo sát và lựa chọn công thức chế tạo các sản phẩm dạng gel, dạng kem và dạng bánh”.
Đưa xà phòng sinh học ra đảo xa1
Đại úy Nguyễn Khánh Việt nhận giải thưởng Sách vàng sáng tạo 2018 Ảnh: N.Thắng
Chất lượng tương đương nhưng rẻ hơn hàng nhập
Để hoàn thiện sản phẩm, đại úy Việt và các đồng đội phải làm đi làm lại hàng chục lần mới ra được loại xà phòng ưng ý và đem đi kiểm nghiệm tại các đơn vị uy tín ngoài quân đội.
Các sản phẩm xà phòng sinh học đã được áp dụng thử nghiệm trong điều kiện thực tế tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm: đảo Đá Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn, đảo Thuyền Chài... và trong lực lượng kiểm ngư với nhiều mục đích như: tắm, giặt, rửa dụng cụ cấp dưỡng, tàu thuyền… Kết quả đánh giá thử nghiệm tại các đơn vị cho thấy, sản phẩm có khả năng tẩy rửa tốt vết bẩn khi chỉ dùng với nước mặn; quần áo sau khi giặt mềm mại hơn so với quần áo được giặt bằng xà phòng thông thường; sản phẩm dùng cho tắm, rửa trong nước mặn tốt hơn hẳn so với các sản phẩm khác được đối chứng, là giải pháp tiết kiệm nước ngọt hiệu quả.
Đại úy Việt tính toán, hiện tại, giá thành của các sản phẩm xà phòng dạng kem: 310.000 - 330.000 đồng/lít, xà phòng dạng gel: 250.000 - 270.000 đồng/lít, xà phòng dạng bánh: 65.000 đồng/bánh. Trong khi đó, sản phẩm xà phòng dùng trong nước mặn Sailor Soap có giá bán tại thị trường Mỹ là 6 USD/chai thể tích 120 ml (chưa tính thuế và phí vận chuyển về VN). Nếu tính giá thành cho 1 lít thành phẩm tại Mỹ là 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng/lít).
Nhận thấy sản phẩm này có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, Bộ Quốc phòng cho phép cuối năm nay, các sản phẩm sẽ được thử nghiệm mở rộng tại Quân chủng Hải quân và Quân khu 7 để đánh giá hiệu quả, nhu cầu sử dụng trong thời gian sắp tới trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt và tiến tới từng bước trang bị cho quân đội.
Mới đây nhất, đề tài nghiên cứu khoa học này đã được Mặt trận Tổ quốc VN lựa chọn là 1 trong 73 công trình nghiên cứu được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.