99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024)

Đức khiêm nhường mở đầu cho rất nhiều đức tính tốt đẹp

20/06/2024 10:36 GMT+7

Trong cuộc sống xã hội bây giờ, chuyện một số người có ăn có học nhưng lao vào kiếm cái danh, dù chưa biết đó là hư danh hay thực danh, là chuyện không chỉ không vui, mà hơn thế, là có hại.

Trước nhất là có hại cho chính những ai làm điều khó coi đó. Sau là có hại cho lớp trẻ mới lớn lên, chưa trưởng thành, khi các em nhìn vào lớp "đàn anh đàn chú đi trước" mình lại thể hiện sự háo danh quá mức như vậy. Liệu các em có bắt chước những hành động vừa thiếu chuẩn mực đạo đức vừa tai hại đến con đường học hành của mình hay không, chưa ai dám nói trước chuyện này.

Bởi có một điều đáng lo, là những người "săn danh hiệu" thường có người đang giữ "sứ mệnh giáo dục" cho sinh viên, chí ít cũng đang làm việc trong các trường đại học. Chính vì nhiều trường đại học đang "chạy đua" để hằng năm có được những bài báo "quốc tế", càng nhiều bài báo như vậy, dù chất lượng bài báo chưa biết thế nào, nhưng số lượng sẽ quyết định cho "đẳng cấp" của trường nào sở hữu nhiều bài báo nghiên cứu khoa học.

Khi báo chí vào cuộc, "bóc phốt" một trang web quốc tế khá tào lao nào đó chuyên "kinh doanh" chuyện "xếp hạng danh hiệu các nhà khoa học", một cách xếp hạng không được minh bạch cho lắm, thì người ta mới vỡ ra. " Nói vậy mà không phải vậy", câu nói dân gian mình chỉ đúng chóc vào trường hợp này.

Với những người có học bây giờ, một trong những đức tính cơ bản nhất, cần thiết nhất là đức khiêm nhường. Càng có học, càng làm được nhiều việc, thì càng phải khiêm nhường. Đức tính này chỉ nâng con người lên, chứ không hề hạ thấp.

Trong đời, tôi đã gặp những người tài năng, thực sự tài năng thì họ đều khiêm nhường, sống giản dị, nói năng chừng mực, không hề tự đề cao mình. Đức khiêm nhường ấy giúp cho tài năng của họ có một bệ đỡ vững chắc. "Nói ít, làm nhiều", đó là nguyên tắc sống của những người thực sự có bản lĩnh, có thực học, dù họ không có nhiều bằng cấp hay những chứng nhận này nọ về khả năng của mình.

Không chỉ những nhà "chân tu" mới sống khiêm nhường, mà bất cứ ai cũng đều có thể sống như vậy. Người khiêm nhường bao giờ cũng khiến cộng đồng thấy dễ chịu khi giao tiếp với họ, vì họ chân thành, không nói quá lên những gì mình chưa thể làm được.

Tôi rất vui khi được mời trong ban chung khảo một cuộc thi phóng sự - ký sự của một tờ báo tỉnh. Tôi vui không chỉ vì chất lượng những bài dự thi, mà còn vui vì tôi đọc thấy sự khiêm nhường trong mỗi bài viết của những nhà báo tham dự cuộc thi. Sự khiêm nhường ấy thể hiện ngay trong bài báo dự thi của họ. Độ chân thực càng cao, thì sự khiêm nhường càng được thể hiện rõ.

Ngày 21.6, ngày nhà báo Việt Nam, có lẽ không thừa khi nhắc lại về sự khiêm nhường của nhà báo, thể hiện qua những bài báo có độ chân thực cao, tinh thần vì nhân dân, vì đất nước mạnh mẽ. Những bài báo làm nên một nhà báo, và nhiều nhà báo giỏi làm nên một tờ báo hay, được người đọc đón nhận với lòng yêu mến.

Đức khiêm nhường mở đầu cho rất nhiều đức tính tốt đẹp tiếp sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.