Đức lần đầu kích hoạt hệ thống phòng không Iris-T SLM trên lãnh thổ

Trí Đỗ
Trí Đỗ
05/09/2024 16:37 GMT+7

Quân đội Đức ngày 4.9 chính thức đưa hệ thống phòng không Iris-T SLM đầu tiên vào sử dụng trên lãnh thổ sau khi chuyển giao một số hệ thống cho Ukraine.

Phát biểu tại lễ triển khai hệ thống tại một căn cứ ở Todendorf, gần thành phố Hamburg (Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hệ thống đất đối không Iris-T SLM là một phần trong kế hoạch củng cố mạng lưới phòng thủ của Đức và châu Âu được triển khai từ năm 2022.

Đức lần đầu kích hoạt hệ thống phòng không Iris-T SLM trên lãnh thổ- Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tham gia sự kiện tại Todendorf (Đức) vào ngày 4.9.2024

ẢNH: REUTERS

Ông Scholz cáo buộc Nga đã tiến hành tái vũ trang ồ ạt trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa và tên lửa hành trình, phá vỡ các hiệp ước giải trừ vũ khí và triển khai tên lửa tới tận Kaliningrad (cách Đức 530 km). "Sẽ là vô trách nhiệm nếu không phản ứng thích hợp với điều này. Việc không hành động sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình. Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra", ông Scholz nói thêm.

Theo AFP dẫn lời ông Scholz, hệ thống trên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Lá chắn bầu trời  của châu Âu, bao gồm các hệ thống phòng thủ tầm xa chống tên lửa đạn đạo.

NATO cảnh báo Ba Lan vì tính chuyện bắn hạ tên lửa Nga ở Ukraine

Quân đội Đức đã đặt hàng 6 hệ thống Iris-T SLM với tổng chi phí là 950 triệu euro từ nhà sản xuất Diehl Defence, dự kiến sẽ được giao vào tháng 5.2027. Thủ tướng Scholz cho biết ngoài các hệ thống phòng thủ, châu Âu cũng cần có thêm loại tên lửa tấn công chính xác mục tiêu của riêng mình để hạn chế khoảng cách với Nga trong lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Vào tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành chuyển giao tên lửa tầm xa theo đợt đến Đức vào năm 2026. Ngoài trang bị khả năng phòng thủ cho đất nước, Đức đã viện trợ 4 hệ thống Iris-T SLM cho Ukraine và cam kết cung cấp thêm 8 hệ thống nữa. Hệ thống Iris-T SLM được gửi tới Ukraine có bệ phóng gắn trên xe tải, có thể bắn tên lửa để đánh chặn mối đe dọa trên không ở phạm vi lên tới 40 km.

Cũng trong sự kiện tại căn cứ ở Todendorf, ông Scholz nói rằng: "Tại Ukraine, Iris-T SLM đã bắn hạ hơn 250 tên lửa, máy bay không người lái và tên lửa hành trình cho đến nay và giải cứu thành công vô số sinh mạng".

"Sự hỗ trợ của Đức dành cho Ukraine sẽ không dừng lại. Chúng tôi đã đưa ra các điều khoản, ký kết các thỏa thuận (quốc phòng) và đảm bảo nguồn tài trợ kịp thời để Ukraine có thể tiếp tục hoàn toàn dựa vào chúng tôi trong tương lai", ông Scholz nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.