Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 5.6 đã phê duyệt khuôn khổ quốc phòng mới thay thế các hướng dẫn có từ năm 1989, giữa bối cảnh ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ Nga, theo Đài RT.
Kế hoạch mới nêu rõ những chi tiết như chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và quy định các nhà sản xuất chỉ sản xuất hàng hóa phục vụ chiến tranh. Nhiều vùng có thể bị sơ tán, các ga tàu điện ngầm, bãi đỗ xe và các công trình khác sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.
Ngoài ra, chính phủ Đức được cho là có kế hoạch kiểm soát việc phân phối thực phẩm để đối phó với kịch bản khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Những biện pháp dự phòng đó bao gồm dự trữ lúa mì và các loại ngũ cốc khác ở những địa điểm bí mật, theo báo Bild của Đức.
Bên cạnh đó, những sửa đổi trong khuôn khổ cũng phản ánh sự mở rộng về phía đông của NATO. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết: “Đức không còn là quốc gia tiền tuyến mà đóng vai trò là trung tâm của các lực lượng đồng minh ở châu Âu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 5.6 cho biết các kế hoạch mới phản ánh các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng, đồng thời cảnh báo các nhà lập pháp Đức rằng nước này phải “sẵn sàng cho chiến tranh” vào năm 2029.
Trước đó, tướng Carsten Breuer, Tổng thanh tra quân đội Đức cho biết Nga sẽ phải mất 5 - 8 năm để tái thiết lực lượng vũ trang sau xung đột khốc liệt ở Ukraine, theo Politico.
Theo ông Pistorius kêu gọi mở rộng lực lượng vũ trang và yêu cầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc bởi Đức hiện chỉ có khoảng 181.000 thành viên đang tại ngũ. Nước này bãi bỏ quân dịch vào năm 2011 và gặp thách thức về tình trạng thiếu trang thiết bị.
Theo một báo cáo của quốc hội Đức năm 2023, với tốc độ phục hồi quân sự hiện nay, Đức có thể phải mất nửa thế kỷ để củng cố lực lượng vũ trang.
Bình luận (0)