Ngày 30.9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đức đã tổ chức buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày nước Đức tái thống nhất (3.10.1990) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
Tại sự kiện này, ông Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam, đã trao đổi thêm về Công hàm chung Anh - Pháp - Đức gửi Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông hôm 16.9.
Theo ông Hildner, Đức muốn các vấn đề ở Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Cũng theo Đại sứ Đức, UNCLOS là một công ước toàn diện, bao gồm định nghĩa về vùng biển, chủ quyền và biện pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Tất cả các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải đều ảnh hưởng đến việc duy trì thương mại giữa các nước, trong đó có Đức. Bên cạnh đó, Đức cũng có trách nhiệm lên tiếng vì là thành viên của UNCLOS.
"Khi có tranh luận căng thẳng giữa các nước ven Biển Đông, chúng tôi cần nhắc lại quan điểm. Các lý lẽ mới trong tranh luận không làm thay đổi chủ trương của chúng tôi", ông Hildner nói.
Về việc Đức thông qua Định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tháng 9 năm nay, Đại sứ Hildner cho hay, nước này muốn gìn giữ pháp luật liên quan đến Biển Đông và nêu bật tầm quan trọng của khu vực, đưa ra lời mời hợp tác với tất cả các nước châu Á. Các hoạt động gần đây của Đức không phải là "bước nhảy vọt", mà kế thừa chính sách từng có, cho thấy Đức ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, qua điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13.9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết Đức sẽ can dự tích cực hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn Việt Nam là cầu nối giữa Đức và khu vực.
Theo thông cáo đưa ra từ Đại sứ quán Đức, từ kinh nghiệm của riêng mình trong việc bị chia cắt rồi tái thống nhất 30 năm trước, nước Đức nỗ lực cho các giá trị dân chủ, gìn giữ các quyền con người và cho một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc. Để làm được điều đó, nước Đức cùng với các đối tác của mình đảm nhận trách nhiệm trong khuôn khổ toàn cầu.
Việt Nam và Đức cũng đồng quan điểm nỗ lực cho trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, cho chủ nghĩa đa phương, cho việc gìn giữ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, cho tự do trên biển và tự do thương mại.
Năm 2020, hai nước đảm nhận những trọng trách đặc biệt. Cả hai nước là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là chủ tịch ASEAN, Đức là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong nửa cuối của năm. Ở cương vị này, hai nước đã nỗ lực hợp tác, thúc đẩy những giá trị chung.
Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU
Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam, Đại sứ quán Đức nhìn nhận, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển liên tục. Việc tiếp tục thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược được thỏa thuận năm 2011 bằng một Kế hoạch hành động 2 năm 2020 - 2021 đã tạo ra cơ sở cho mối quan hệ hợp tác hướng tới tương lai.
Đức và Việt Nam hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo là những trọng tâm của các nỗ lực hợp tác phát triển.
Về đào tạo và khoa học, Đức hỗ trợ quá trình cải cách hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam. Hiện có khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức, 163 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học Đức và Việt Nam. Tại 8 trường Pasch (trường tham gia chương trình “Trường học: Đối tác của tương lai”) được Ủy ban giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài hỗ trợ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, có khoảng 2.000 học sinh Việt Nam đang học tiếng Đức.
Luật nhập cư nhân lực lao động chuyên môn của Đức có hiệu lực từ tháng 3.2020 mở ra những khả năng việc làm mới, hấp dẫn tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.
Quan hệ kinh tế chiếm một vị thế quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương và được tăng cường liên tục. Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2019 giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 10,9 tỉ USD, giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,8 tỉ USD.
Trong nửa đầu năm 2020, cho dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 1,6%. Trong năm qua, các nhà đầu tư Đức đã dầu tư hơn 2,1 tỉ USD vào Việt Nam với một hàm lượng rất cao các công nghệ hiện đại nhất.
Tổng cộng đã có 380 công ty Đức có mặt tại Việt Nam và Đại sứ quán Đức cho rằng, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8 năm nay sẽ thúc đẩy sự phát triển này.
Trong “năm Covid-19” này, Việt Nam đã hỗ trợ một số nước, trong đó có Đức bằng cách gửi tặng khẩu trang, qua đó đã đưa ra một tín hiệu khích lệ tình đoàn kết quốc tế giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Bình luận (0)