Tờ Der Spiegel đưa tin Đức đang xem xét tiếp cận Ấn Độ và các quốc gia Ả Rập để cung cấp thêm đạn pháo cho Ukraine. Tờ báo này cho biết giới lãnh đạo tình báo phương Tây gần đây đã cảnh báo hệ thống phòng thủ của Kyiv có thể sụp đổ nếu tình trạng thiếu đạn dược không được giải quyết nhanh chóng.
Mỹ, quốc gia viện trợ chính của Ukraine, chưa thể bổ sung viện trợ cho Ukraine vì quốc hội chưa thông qua các khoản phân bổ ngân sách mới. Kể từ mùa thu năm ngoái, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã chặn dự luật viện trợ nước ngoài của Tổng thống Joe Biden, trong đó dự kiến hỗ trợ quân sự trị giá 60 tỉ USD cho Kyiv.
Nhóm nghị sĩ này khẳng định sẽ chỉ nhượng bộ nếu Nhà Trắng đồng ý thắt chặt kiểm soát biên giới của Mỹ và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Mexico.
Trong bối cảnh đó, lực lượng Ukraine hồi đầu tháng 2 đã rút lui khỏi thị trấn Avdiivka, một thành trì quan trọng ở khu vực Donbass.
Tờ Der Spiegel hôm 25.2 đưa tin chỉ huy quân sự hàng đầu của Đức giám sát việc mua sắm vũ khí cho Ukraine, tướng Christian Freuding, đã triệu tập các cuộc họp kín hai tuần một lần với các nhà ngoại giao, quan chức văn phòng thủ tướng và các quan chức khác.
Chủ đề bàn thảo chính là câu hỏi về nước nào có dự trữ đạn pháo đáng kể và liệu họ có thể chia sẻ một phần hay không. Nếu một quốc gia muốn tỏ ra "trung lập" trong vấn đề Ukraine thì việc cung cấp sẽ được giữ bí mật.
Nga tiếp tục mở rộng tấn công sau khi kiểm soát Avdiivka, Ukraine trấn an
Der Spiegel dẫn lời ông Freuding xác nhận với quốc hội Đức vào tuần trước rằng Berlin đang “cố gắng mua đạn dược từ khắp nơi trên thế giới”, đặc biệt chú trọng đến loại đạn 155mm theo chuẩn NATO.
Theo bài báo, Đức đang để mắt đến Ấn Độ như một đối tác tiềm năng, với một số ước tính cho thấy New Delhi có thể có hàng trăm ngàn quả đạn pháo.
Der Spiegel cho hay, do Ấn Độ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga nên mọi thỏa thuận tiềm năng chỉ có thể được tiến hành bí mật và với sự giúp đỡ của các bên trung gian. Do đó, “các cuộc đàm phán kín đáo” đang được tiến hành để xác định xem loại đạn này có thể được cung cấp thông qua trung gian hay không.
Bản tin cũng hàm ý rằng các thỏa thuận tương tự có thể đạt được với các quốc gia Ả Rập giấu tên. Ngoài ra, một số quốc gia vùng Balkan và châu Phi cũng có thể có dự trữ hoặc sản xuất được loại đạn dược phù hợp.
Trong khi đó, theo Der Spiegel, người đứng đầu các cơ quan tình báo hàng đầu của phương Tây đã cảnh báo trong cuộc họp bên lề Hội nghị An ninh Munich hồi đầu tháng 2 rằng Ukraine có thể mất khả năng giữ vững tiền tuyến vào tháng 6. Để ngăn chặn kịch bản như vậy, phương Tây cần nhanh chóng cung cấp đạn pháo cho Kyiv.
Bình luận (0)