Đục vòm cầu mở không gian nghệ thuật

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/05/2019 06:31 GMT+7

Hà Nội đang đục thông dần 127 vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng và phố cổ. Những hoạt động ở đây, theo nhiều chuyên gia, nên theo hướng phát triển thành trung tâm nghệ thuật sáng tạo.

Cho dù đang ở giai đoạn đục thông vòm cầu số 93, kế hoạch đục thông 127 vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng tới ga Long Biên đã “hòm hòm”.
Theo ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, những vòm cầu này sẽ trở thành không gian giới thiệu, quảng bá văn hóa nghệ thuật, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực. Ở đây cũng có thể sẽ thành một tuyến phố đi bộ mới kết nối với tuyến cũ ở Hàng Đào, Đồng Xuân.

Khu nghệ sĩ, quận nghệ thuật

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Phạm Long rất vui vì tương lai của phố Phùng Hưng sau khi đục thông các vòm cổng. Trước đây, ông Long rất mong muốn phố đi bộ Hồ Gươm có khu trưng bày nghệ thuật nhưng “mong mãi mà không thấy”. Giờ đây, ao ước đó ông đặt cả lên Phùng Hưng. “Những vòm cầu như thế này ở Paris họ làm thành ki ốt của các nghệ nhân. Sử dụng cửa kính kéo ra kéo vào sẽ khiến nhìn xung quanh vẫn thông không gian của cổng. Nghệ nhân không chỉ bán hàng mà làm nghề luôn ở đó, khách có thể tham quan. Những thợ làng nghề có thể đến đó làm. Như vậy nó sẽ thành các studio. Con đường sẽ trở thành nơi tập trung nghệ sĩ. Rõ ràng mình đang thiếu một khu nghệ thuật để cho nghệ sĩ vẽ ngoài trời và bày bán các tác phẩm nghệ thuật và trên phố này có thể làm được”, ông Long hào hứng.
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng không nên mở gian hàng bán đại trà nơi này. Theo ông, “Nó nên là nơi tổ chức các hoạt động có tính chất văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động cho thanh niên thường xuyên. Các nơi để thanh niên có thể đưa ra sáng kiến bảo vệ môi trường, những sản phẩm tái chế, kết nối làng nghề...”.
Cũng theo ông Ánh, nên ưu tiên cho các hoạt động trình diễn nghề ở đây. “Tốt nhất để thanh niên chọn những nghề được trình diễn, để họ có sáng tạo của họ. Chẳng hạn, họ làm các dự án nghệ thuật sơn mài kiểu hiện đại, đồ bằng bạc chạm khảm nhưng có họa tiết mới. Ở đó, chúng ta sẽ có vườn ươm cho trí tưởng tượng chứ không tưởng tượng hộ họ được. Những người làm sáng tạo sẽ có cách riêng của mình. Để tránh việc tư nhân hóa, mình đưa ra cam kết từ đầu, sẽ có sự kích thích sáng tạo vì cộng đồng như vậy. Nó tránh được việc làm những điều xoàng xĩnh nhưng lại lấy vỏ là lợi ích cộng đồng”, ông nói.
Nhà nghiên cứu, TS Trần Hậu Yên Thế, cho rằng nhu cầu tại khu vực cầu này sẽ đa dạng, trong đó có mua sắm, ăn uống vì khu vực đó sẽ có một chuỗi dịch vụ. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Nếu chỉ ăn uống mua sắm thì sẽ thiệt thòi cho công chúng. Đó là câu chuyện di sản, thì có thể ăn uống kết nối di sản, thời trang kết nối di sản”.

Hàng hóa đặc biệt

Giữ không gian không bị nặng mùi
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cho rằng việc giới thiệu ẩm thực ở đây không nên thiên về mua bán. Chỉ nên là những món nhẹ nhàng, sạch sẽ để giữ không gian không bị nặng mùi. “Giới thiệu món ăn liên quan đến đất kinh kỳ kẻ chợ, nó phải sạch, không có mùi đun nấu. Có thể có bánh cuốn, bánh cốm. Không thể phở xào, mì xào mùi bốc mạnh lên được. Chưa kể sẽ phải tính đến việc xử lý nước thải”, ông Việt cho biết.
Ông Yên Thế đề nghị nên lập không gian phố xưa với các sản phẩm của nó. “Những phố gần Phùng Hưng như Hàng Mành, Hàng Chĩnh, Hàng Lược, Hàng Mã... thì cơ bản là chết nghề rồi. Vì thế, chúng ta cần một phố tái sinh, một khu phố tập trung hơn. Có thể lấy nghề đó làm gợi ý cho việc giới thiệu hàng hóa. Chẳng hạn, phố Hàng Lược cũng có nghĩa là đồ trang sức mỹ phẩm liên quan đến truyền thống. Hàng Giấy thì có thể giới thiệu các đồ giấy truyền thống. Bây giờ cũng có nhiều người muốn giới thiệu giấy sắc phong, giấy dó, giấy trúc chỉ...”, ông Thế phân tích.
PGS-TS Khuất Tân Hưng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, lại nói về những mặt hàng lưu niệm có thể bán. Những mặt hàng đó phải gắn với câu chuyện của cây cầu, của phố cổ Hà Nội. Ông cho biết: “Một số nước châu Âu, như ở sông Seine của Pháp chẳng hạn, có những quầy lưu niệm. Các TP di sản thường có những dãy phố có quầy như vậy, họ bán bưu ảnh kỷ niệm, đồ có liên quan đến chính địa điểm di sản đó. Ở đây có thể làm những quầy như vậy. Tất nhiên, chúng ta cần có thiết kế bộ lưu niệm riêng của Hà Nội, của riêng khu vực này. Chẳng hạn, bưu ảnh cổ, tranh cổ, sách cổ, tem có liên quan đến Hà Nội và cầu Long Biên. Nó phải thực sự đặc trưng địa phương. Nếu có quán xá thì cũng phải xem là loại gì, có mang đặc trưng văn hóa không”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.