Thiếu không gian cho nghệ thuật đương đại

08/10/2018 09:31 GMT+7

Hiện tại ở TP.HCM, không gian dành cho nghệ thuật đương đại phần lớn là của tư nhân và tự phát, điều này khiến việc đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng vẫn là một bài toán khó.

Nhiều nhưng vẫn thiếu
Nhà triển lãm Thành phố (Q.1), Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (Q.1) cùng một số nơi như: Sàn Art (Q.3), Quỳnh Gallery (Q.1), Vin Gallery (Q.2), The Factory Contemporary Art Center (Q.2) hay A.Farm (Q.12)… hiện tại là những địa điểm mà nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật đương đại có thể tìm đến.
Những không gian này phần lớn được cải tạo lại để trưng bày tranh hoặc là do tư nhân và nghệ sĩ tự vận động mà có được. Họa sĩ Trần Thanh Cảnh, người có dự án Tales of Legends (Huyền thoại Mị Nương) vừa được nhận tài trợ từ Chương trình tài trợ nghệ thuật của thành phố Melbourne (Úc) để mang 18 tác phẩm triển lãm tại Melbourne vào tháng 9.2019, cho biết: “Hiện tại, các trung tâm nghệ thuật ở TP.HCM không có công năng phù hợp. Như Bảo tàng Mỹ thuật TP vốn là một cái nhà xây từ thời Pháp với công năng dành cho gia đình, sau đó được sửa sang lại để trưng bày tranh ảnh. Còn các phòng tranh mà chúng ta đang có thì cơ bản cũng xây dựng và thiết kế theo kiểu nhà ở và cải tạo lại để trở thành nơi trưng bày tranh”.
Trong khi đó, theo họa sĩ này phân tích: “Nghệ thuật đương đại với các loại hình như hội họa, video art, nghệ thuật trình diễn, điêu khắc, sắp đặt... cần một không gian và chắc chắn là không gian ấy sẽ vượt ra khỏi không gian dành cho nghệ thuật thông thường. Không gian dành cho nghệ thuật đương đại phải được thiết kế rất đặc thù, ví dụ phòng dành cho video art phải là một phòng tối hoàn toàn, còn phòng dành cho sắp đặt tương tác cũng phải có diện tích và một vài yếu tố riêng khác…”.
Ở TP.HCM hiện nay, ngoài các trung tâm của tư nhân như The Factory Contemporary Art Center (Q.2) hay A.Farm (Q.12), Sàn Art (Q.3) thì gần như chưa có nơi nào thuộc quyền quản lý của nhà nước có đủ công năng phục vụ cho nghệ thuật đương đại.
Trong khi đó, cách đây 2 năm Singapore đã ra đời Bảo tàng National Gallery Singapore với mục tiêu chứng minh vị thế của đất nước trong lòng người yêu nghệ thuật Đông Nam Á.
Nhiều nghệ sĩ từng đi triển lãm tại nước ngoài cũng nhìn nhận, không gian dành cho nghệ thuật bao gồm cả việc đầu tư phát triển với hệ thống đèn, hệ thống vận chuyển, đóng gói… những việc “bếp núc” để có thể trưng bày tác phẩm một cách hoàn hảo nhất. Ngay cả thời gian trưng bày cũng có sự đầu tư khác biệt, như có thể dùng một khoảng tường lớn chỉ để treo một bức tranh trong thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm. Vì tác phẩm phải được trưng bày trong một thời gian đủ lâu mới khiến người thưởng lãm cảm nhận hết nét độc đáo cũng như những ý tưởng mà nghệ sĩ muốn gửi gắm. Trong khi ở VN, triển lãm thông thường chỉ kéo dài trong 1 tháng.
Cần một “không gian mở”
Giám tuyển Lê Thuận Uyên chia sẻ: “Thực ra cốt lõi của việc không có không gian nghệ thuật đương đại nằm ở chỗ hiện cơ quan quản lý nhà nước chưa có bộ phận quản lý nghệ thuật đương đại”.
Theo chị, chuyên gia nước ngoài, nghệ sĩ quốc tế sang VN gần như chỉ tìm đến các trung tâm tư nhân hoặc cá nhân nghệ sĩ. “Do đó, việc quy hoạch mở không gian thật ra là chưa cần thiết bằng việc có một bộ máy quản lý nghệ thuật đương đại, đồng thời có các chính sách hỗ trợ khối tư nhân phát triển nghệ thuật đương đại, như giảm giá thuê đất trung tâm ở các cơ sở bất động sản của nhà nước để phát triển các quần thể sáng tạo; ưu đãi, có thể là về thuế, cho các cá nhân ủng hộ tài chính cho nghệ thuật đương đại và nghệ sĩ; lập quỹ hỗ trợ việc phát triển các dự án nghệ thuật và sáng tác độc lập…”, chị đề nghị.
Arlette Quỳnh - Anh Trần, Giám tuyển/Giám đốc Post Vidai Collection, đồng thời là thành viên của nhóm Art Labor, từng cho biết mặc dù Post Vidai là bộ sưu tập nghệ thuật đương đại lớn nhất VN của tư nhân nhưng các tác phẩm ấy lại chưa có dịp ra mắt công chúng Việt. Chị lý giải: “Việc tác phẩm được bày biện như thế nào trong không gian và không gian ấy tương tác thế nào với công chúng rất quan trọng. Tác phẩm nghệ thuật chuyển tải ý nghĩa đến công chúng phải được đặt trong một không gian tương ứng. Vì vậy việc xây dựng không gian cho một tác phẩm cực kỳ quan trọng”.
Nhưng thiếu không gian chỉ là một trong những lý do. “Có nhiều tác phẩm mình mua ngay từ khi triển lãm ở nước ngoài và phải chuyển luôn qua Thụy Sĩ; một số tác phẩm khác khó triển lãm tại VN vì gặp phải vấn đề kiểm duyệt từ nhà quản lý”, chị Quỳnh-Anh Trần cho biết. Và chiến lược để đưa tác phẩm đến với công chúng khi đó phải theo các cách khác như: web, hay những đoạn phim phỏng vấn nghệ sĩ với chất lượng cao; ra sách với các cây bút là giám đốc bảo tàng nổi tiếng trên thế giới..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.