Công tác chủ nhiệm giúp giáo viên có mối quan tâm sâu sát hơn đối với giáo viên bộ môn. Không chỉ truyền thụ kiến thức, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) còn nắm bắt hoàn cảnh gia đình, số phận, tính cách của từng học sinh, do đó, phải có sự gần gũi, cảm thông, thấu hiểu. Hầu hết các học sinh mà tôi chủ nhiệm đều nhớ về thầy giáo cũ dù cho thời gian có trôi qua 10 năm hay 20 năm.
Việc tiếp xúc nhiều, trao đổi nhiều cũng sẽ củng cố mối quan hệ thầy trò. Trên lớp có chuyện gì, ngay lập tức, GVCN phải nắm bắt để xử lý. Lâu dần, lớp học sẽ như một gia đình, cho đến khi ra trường, ký ức của học trò sẽ lưu lại hình ảnh đẹp về thầy cô, bạn bè, trong đó, GVCN luôn được nhớ đến nhiều nhất.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ khá nặng nề, GVCN lâu nay còn kiêm luôn nhiều việc khác mà nhà trường giao phó, từ đó, tạo áp lực không đáng có, dẫn đến những sứt mẻ về tình cảm giữa thầy và trò trong lớp chủ nhiệm. Hầu như năm nào cũng có giáo viên lên mạng than phiền về nhiệm vụ hết sức khó khăn đó là: thu tiền. Thậm chí có người còn ví GVCN như người “đòi nợ thuê” cho nhà trường! Hầu như các khoản thu đều do GVCN đảm trách, coi đó như công việc chính, thậm chí, có đơn vị còn coi đó là một chỉ tiêu để xếp thi đua cuối năm học. Ai không hoàn thành các khoản thu, hoặc thu chậm, nộp thiếu sẽ bị hạ loại thi đua!
Áp lực chuyện tiền nong đã làm cho nhiệm vụ giáo dục bị ảnh hưởng. Hễ vào lớp là nhắc học sinh hoàn thành các khoản thu, lâu dần, học sinh chỉ nhìn thấy ở thầy cô của mình sự trần trụi của thế giới vật chất. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, đời sống của phụ huynh và học sinh phải đối mặt với nhiều áp lực kinh tế, thì câu chuyện “đòi tiền” đã trở thành nỗi ám ảnh của cả thầy lẫn trò. Nhiều giáo viên đã xin thôi chủ nhiệm lớp vì biết mình không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ mà nhà trường giao phó, cũng có nghĩa là từ bỏ niềm vui được gắn bó, chia sẻ với học trò ở vị trí gần gũi nhất.
Bước vào năm học mới, một thông tin được nhiều giáo viên chia sẻ, đó là Sở GD-ĐT Khánh Hòa vừa có chỉ đạo trong năm học mới 2017 - 2018, các trường tiểu học không được để giáo viên thu tiền trực tiếp từ học sinh hoặc nhắc nhở học sinh nộp tiền. Đó là câu chuyện ở Khánh Hòa, và không hiểu sao, cũng chỉ giới hạn ở cấp học tiểu học, còn các cấp học khác, ở các địa phương khác, thì sao?
Năm học mới lại bắt đầu, GVCN vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ không mong muốn, và hơn ai hết, chính giáo viên chúng tôi hiểu được rằng, khi đồng tiền xen vào giữa câu chuyện mỗi ngày, mỗi tuần, thì tình cảm thầy trò chắc chắn không còn được trọn vẹn nữa.
tin liên quan
Giáo viên chủ nhiệm phải lập kế hoạch phát hành sách?Lãnh đạo phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hoài Đức nói không chỉ đạo các trường ép học sinh phải mua sách giáo khoa, nhưng văn bản lại có yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng kế hoạch phát hành sách.
Bình luận (0)