Một thời, vào những buổi sáng hay chiều muộn, người dân mang rác ra đổ xuống bờ biển. Đảo Lý Sơn hai mươi mấy ngàn người, nhà nhà ken sát. Ngày ấy, dân đảo biết vứt rác ở đâu, ngoài bờ biển. Sau này khi có bãi rác và nhà máy xử lý rác thải, người dân Lý Sơn gom rác đưa về đây xử lý, nhưng bãi rác 1.000 m2 cũng quá tải. Đã vậy, mỗi năm du khách lại về đây một đông. Phía trên đầu dốc, trước khi vào danh thắng Hang Câu, người địa phương bán hàng vẫn có thói quen gói hàng bằng túi ni lông cho du khách. Khách sử dụng xong đồ dùng thì… xả rác. Cứ đi ra bờ biển là đụng rác!
Thống kê của chính quyền huyện đảo cho biết, cứ mỗi ngày lượng rác thải của khoảng 24.000 dân trên đảo và du khách là 20 - 30 tấn. Đó là chưa kể mỗi ngày có hàng trăm chai thuốc bảo vệ thực vật phun xuống, ảnh hưởng môi trường. Những năm gần đây, chính quyền huyện đảo vận động dân và du khách không xả rác thải bừa bãi. Hưởng ứng lời kêu gọi, có không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hành động, đặc biệt là những sinh viên quê đất đảo. Họ về gom rác thải, lặn vớt rác ở các rạn san hô, di tích văn hóa lịch sử, danh thắng… Mặc dù những cá nhân, tổ chức ấy không thể nào làm sạch rác trên đảo nhưng đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân đảo.
Vẫn biết từ bỏ một thói quen, mà cụ thể ở đây là thói xả rác bừa bãi, là không dễ. Nhưng nếu không quyết liệt hành động, thì viễn cảnh người dân ở huyện đảo Lý Sơn sống trong môi trường “ngập rác” là không tránh khỏi. Hiện ở Lý Sơn, bên dưới lòng đất, hòn đảo này đang bị tụt túi nước ngầm; bên trên thì rác thải. Việc bảo vệ túi nước ngầm cho huyện đảo và thay đổi thói quen không xả rác bừa bãi là hai nhiệm vụ cần được quan tâm như nhau.
Bình luận (0)