Đừng bỏ một tư tưởng nhân văn

14/03/2018 04:50 GMT+7

Tư tưởng giáo dục bắt buộc xuất hiện rất sớm ở nước ta. Điều 15, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí...”.

Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều quy định giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và không thu học phí. Hiến pháp năm 2013 quy định phổ cập giáo dục THCS, đồng thời Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra mục tiêu: “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020”.
Như vậy, tư tưởng giáo dục bắt buộc miễn phí đối với học sinh phổ thông là một quan điểm nhân văn và tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta, suốt quá trình hơn 70 năm qua, xuất phát từ khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trả lời một nhà báo nước ngoài năm 1946, Bác đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay VN mới áp dụng giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với tiểu học. Do đó nảy sinh nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là vào “bẫy giáo dục trung bình thấp”.
VN thực hiện phổ cập giáo dục gần 30 năm, trình độ dân trí của người dân đã được nâng lên nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp. Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 của Tổng cục Thống kê, trong số người dân từ 15 tuổi trở lên, có 82,8% số người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 6,9% ĐH; 2,6% CĐ; 5,8% trung cấp; 1,8% sơ cấp. Điều này cho thấy cơ cấu trình độ quá bất hợp lý. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI năm 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới, về chỉ số giáo dục và đào tạo bậc cao (từ THCS trở lên), VN xếp thứ 95/140, thứ 7 trong các nước Đông Nam Á và dưới mức trung bình của các nước khảo sát. Như vậy, không phải là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra bẫy giáo dục trung bình thấp và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đến nay, VN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác xóa mù chữ toàn diện. Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục vẫn tạo ra một số bất cập, vẫn còn một tỷ lệ người dân chưa học hết THCS nên nếu không thực hiện giáo dục bắt buộc sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực của VN.
Nếu áp dụng giáo dục bắt buộc miễn phí 9 năm sẽ đảm bảo nền tảng vững chắc về giáo dục cơ bản vì mọi người bắt buộc phải học ít nhất đến lớp 9, nếu không sẽ bị xử phạt. Thực hiện điều này có thể sẽ không còn tình trạng trẻ trong độ tuổi đến trường phải nghỉ học mưu sinh và một số nơi vì thành tích phổ cập mà cho lên lớp cả học sinh chưa đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng.
Vì những điều nhân văn này, chúng ta phải cố gắng thực hiện cho bằng được giáo dục bắt buộc miễn phí ít nhất đến cấp THCS như rất nhiều nước, kể cả những nước nghèo hơn VN đang làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.