Đụng chạm rau... người tình!

26/11/2015 11:19 GMT+7

Lẫn khuất đâu đó, trên dải đất hình chữ S mến yêu này; vài chồi non rau... người tình hồn nhiên “mỉm cười” trong sớm mai, cũng không phải lạ.

Ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có hẳn ngôi biệt thự “Người Tình”, gây tò mò không ít cho du khách. Thế nên, lẫn khuất đâu đó, trên dải đất hình chữ S mến yêu này; vài chồi non rau... người tình hồn nhiên “mỉm cười” trong sớm mai, cũng không phải lạ. Song kỳ thú ở, những giai thoại quấn quýt lấy nó.

Đụng chạm rau... người tình!Canh vông vang ấm lòng kẻ tha hương!
1.“Anh thấy hoa vông vang chưa, đẹp hoang dã lắm? - Có, trên... mạng.”, tôi đáp “phân hai” (hàng hai), để anh bạn bếp gốc Thanh Hóa không thất vọng. “Đó là thứ hoa tình vụng dại. Những mối tình chân quê e ấp nở đơn phương rồi chóng héo tàn! Nhưng mà, hái mớ lá nó, vò sơ, đem nấu chua hải sản thì hết sẩy lắm!”, Lê Thanh Hà, bếp trưởng nhà hàng Mùa Vàng ở quận 10, TP.HCM say sưa tả về một loại rau dại gắn với khoảng trời tuổi thơ.
"Gì chứ gia vị lạ là, ngộ theo tới bến! Chính lũ chim trời cùng “bọn” bướm với ong từng giúp đỡ giống rau có gai như: bông hồng, bông giấy lại thuộc họ bụp giấm này.”, Hà gợi mở thêm. Đám côn trùng có cánh thì... ve vãn rồi giúp hoa thụ phấn. Còn chim “rủ”... gió cùng mang hạt cây đi gieo xa hơn. “Rải rác trên mấy triền cát khô cằn của huyện duyên hải Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; những khóm vông vang vẫn vô tư xanh tốt. Từ Hạ sang Thu, hoa nó bung ra rực vàng, sung mãn lạ thường!”, Hà hào hứng kể.

“Vậy mình bứt lá già hay non đem xào, nấu sẽ ngon hơn?, tôi đi tắt đón đầu. - Đừng vội! Đừng vội! Cái gì cũng có quá trình!”, Hà lại huyên thuyên.

“Bác từng ăn canh nấu lá bụp giấm chưa?- Rồi! - Lá cây này còn tuyệt vời hơn lá bụp giấm nhiều. Vì nó chua nhẹ nhàng hơn và đặc biệt không chứa nhiều chất nhầy.”, Hà vẫn tiếp tục câu rê, miệng chép chép khang. Mặc cho “con mồi” nhạy cảm đang lên cơn... thèm.

“Trăm nghe không bằng một nếm!- Sẵn sàng thôi! Nhưng bác chịu khó đợi vài ba hôm nữa. Bữa nào xuống ca, e phi về Biên Hòa mang “em’ nó lên.”

Trời hỡi! Thương nhau kiểu đó bằng mười ghét nhau!

Đụng chạm rau... người tình!Cũng có thể trồng làm kiểng rau... người tình

2.Cũng may, ngày tháng Mười “chưa cười đã tối”; đúng một tuần sau, người viết đã sờ tận tay nhai tận miệng một chiếc lá rau... người tình.

Trên mặt lá có nhiều hàng lông tơ màu trắng bạc, nham nhám như những chiếc... lưỡi nhạy cảm. Hà cho biết, anh chọn những chiếc lá dày dày (không quá già cũng chẳng non), phải vò sơ để lớp lông kia mềm nhão và rụng bớt; đến khi ăn sẽ không bị nhám lưỡi. Vị lá thoảng nhẹ mùi chua của giấm gạo.

Lần này, hơn chục chiếc lá hình chân chim kia có nhiệm vụ “nâng khăn sửa túi” gần 200g mực ống sữa, lớn cỡ đầu ngón tay. Thật ra, ở cương vị bếp trưởng một nhà hàng lớn, Hà có quyền chọn những khứa cá bớp để chật cái dĩa bàn hay xào với bộ lòng cá mú cọp giòn sần sật, cỡ 28 - 30kg/con. Nhưng có thể, nơi sân thượng của lâu đài ký ức trong Hà, mớ lá vông vang không trồng mà mọc ngày ấy là, cứu cánh cho những bữa ăn nhà nghèo. Chỉ ở nơi thân thương thuở đó, mới có cảnh: chồng chan con húp những tô canh vông vang nấu với nhúm ruốc khô thật “khí thế”. Và chỉ tội cho những bà mẹ gầy guộc, không không dám lua cơm mạnh tay; vì muốn nhường phần no cho con - cho chồng!

Mặt khác, độc giả có quyền thắc mắc: vậy cuối cùng hương vị “tô canh... luyến ái” hôm đó có gì đặc sắc không?- Hỏi khó! Một muỗng canh có sự chăm chút, chất chứa ít nhiều nỗi niềm của anh đầu bếp thì dĩ nhiên mùi vị không tệ rồi. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại: nó chưa vượt trội hương vị so với canh bụp giấm (lá cẩm thanh, lá quý mầu...) nấu cùng nguyên liệu. Mùi chua thơm thanh thoát của bụp giấm thướt tha, quyến dụ cánh mũi lẫn chót lưỡi người ăn mau liêu xiêu hơn!

Đụng chạm rau... người tình!Cây vông vang vẫn xanh tốt trên đất phèn Đồng Tháp Mười

Mặc dù, cho đến nay, chúng tôi chưa gặp một sứ giả dân gian nào kể chuyện món ngon bụp giấm đắm đuối cỡ Hà.

Cũng xin nói thêm, trong một chuyến công tác gần đây, chúng tôi thật sự bất ngờ khi bắt gặp những đóa bông vông vang rạng rỡ trong một góc vườn ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Chủ nhân là một một dược sĩ khá nổi tiếng, chuyên bán nguyên liệu thô độc quyền cho những công ty dược tầm cỡ trên thế giới. Thế nên, ông này rất giỏi “im hơi lặng tiếng”. Như vậy, không loại trừ khả năng: lá và những bông rực vàng (khá giống bông đậu bắp) này chứa vài hoạt chất nên thuốc.

Tiến sĩ Võ Quang Yến, trong bài “Vông Vang, Hoa Tình Tuổi Trẻ” đã cho biết rõ: “Về mặt dược liệu, cả lá rễ lẫn hột cây đều có công dụng. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô, có vị nhạt, nhiều nhớt, tính mát. Nó có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, hoạt thai, dùng trị táo bón, thủy thủng, thúc đẻ, tan ung độc.” Tiếc thay, hoa vông vang “chỉ để ngắm”.

Thế mới biết, chiều sâu của một món ngon không thể cân đo đong đếm bằng tiền và đôi khi là địa vị xã hội - sản phẩm của những trào lưu! 

Tấn Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.