Lăng kính bạn đọc:

Đừng 'chặn đường' học sinh thi vào lớp 10

Trí Minh
(tổng hợp)
28/04/2023 06:32 GMT+7

Trước kỳ thi vào lớp 10 năm nay, phụ huynh phản ánh có giáo viên ở một số trường "ép" học sinh không được thi. Bạn đọc đề nghị chấn chỉnh triệt để tình trạng này.

Một phụ huynh (xin giấu tên) có con học tại một trường ở H.Gia Lâm (Hà Nội) cho PV Thanh Niên biết, trước thời điểm nộp hồ sơ thi, giáo viên dạy toán đề nghị những phụ huynh có con đạt kết quả môn học của cô chưa cao đừng đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay. Giáo viên này còn gọi điện cho một số phụ huynh nói rất nặng lời khi biết họ vẫn kiên quyết đăng ký cho con dự thi vào lớp 10. Trước đó, ngày 25.4, anh D., phụ huynh có con học lớp 9A4 Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), kể anh là 1 trong 9 phụ huynh được cô giáo mời họp, tư vấn rằng các em chỉ nên vào các trường trung cấp nghề: "Cô nói các con không nên dự thi. Tuy nhiên, chúng tôi đều không đồng ý và vẫn chọn nguyện vọng phù hợp với lực học của con".

Đừng 'chặn đường' học sinh thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Phụ huynh hoang mang khi bảng điểm của con học lớp 9 trên hệ thống số điểm điện tử bị "xóa trắng"

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh, nếu giáo viên ứng xử không khéo có thể khiến phụ huynh hiểu nhầm. "Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng có trường hợp bị nhà trường ép buộc, khiến phụ huynh bức xúc. Đây là điều rất đáng tiếc", ông Tiến nhìn nhận.

Ngày 26.4, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có); quán triệt, chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Tại sao làm học sinh sợ hãi, từ bỏ hy vọng ?

Bạn đọc (BĐ) cho rằng tình trạng "ép" học sinh không thi vào lớp 10 hầu như năm nào cũng xảy ra, khiến nhiều phụ huynh bức xúc. BĐ Dương Văn Tuấn nêu ý kiến: "Chuyện ép này dường như nơi nào cũng có". Còn BĐ Tâm Mai chia sẻ câu chuyện của bản thân: "Tôi từng bị như vậy cách đây 21 năm. Lúc đó giáo viên chủ nhiệm mời mẹ tôi lên, nói rất nặng, nhưng mẹ tôi cương quyết không đồng ý, không phải vì sức khỏe tôi yếu, học lực không tốt mà tước bỏ cơ hội. Nhờ sự tin tưởng của mẹ, luôn động viên dù chỉ còn một chút hy vọng cũng không ngừng cố gắng, mà tôi tiếp tục học. Tôi kể câu chuyện của mình để các phụ huynh có con học yếu có thêm nguồn thực tế động viên các em".

Lĩnh vực giáo dục rất nhạy cảm. Nếu tâm, tầm không đủ và chạy theo thành tích thì học sinh và phụ huynh là những người lãnh đủ!

Hung Nguyen

Không thể để những chuyện này xảy ra nữa, Bộ GD-ĐT nên mạnh tay với những trường hợp ép buộc kiểu này. Nên tạo điều kiện tối đa cho các em học tiếp chứ không phải tăng tỷ lệ gạt khỏi việc học vào lớp 10.

Thảo

Tương tự, BĐ Huy cho hay gia đình mình cũng bị tác động nhưng đã cùng vượt qua: "Là những người thầy, người cô có tâm, mong các vị ngẫm lại. Thay vì tác động đến tâm lý các cháu, các vị hãy dùng cái tâm của nhà giáo động viên, thầy trò cùng cố gắng vượt qua thử thách. Tôi đã được tư vấn về trường hợp của con mình do thành tích học tập của cháu không thật sự tốt. Nhưng tôi đã động viên và cùng con mình vượt ải, vào trường công xứng đáng".

"Các con có quyền học và có quyền dự thi. Chúng tôi vẫn thường dạy con mình không nản lòng trước khó khăn, chỉ cần có một tia hy vọng nhỏ cũng phải bám vào. Vậy mà tại sao lại làm cho học sinh sợ hãi, từ bỏ hy vọng và cố gắng?", BĐ Thanh Huynh bức xúc.

Hãy để học sinh thi theo nguyện vọng

BĐ đặt vấn đề liệu có phải vì yếu tố thành tích mà vẫn tái diễn hiện tượng điều hướng những học sinh có học lực chưa tốt sang nơi khác? BĐ Caroten nhận xét: "Có thể có lý do là các trường THCS lấy chỉ tiêu học sinh thi đỗ vào lớp 10 của trường công lập để làm điểm cộng thi đua, đánh giá giáo viên, cũng như phòng giáo dục quận, huyện lấy chỉ tiêu này để đánh giá các trường THCS...".

Cùng góc nhìn, BĐ Trần Vũ Thuấn đặt câu hỏi: "Nếu nhà trường nói không vì thành tích thì tại sao không quán triệt giáo viên ngay từ đầu, để đừng xảy ra chuyện như vậy? Giáo viên làm gì cũng trong khuôn khổ của nhà trường, của ngành giáo dục. Phải chăng bệnh thành tích vẫn còn ám ảnh?".

Nêu ý kiến rằng "Các em đang trong tuổi trưởng thành, dễ bị ảnh hưởng tâm lý, những lời lẽ gây tổn thương sẽ để lại trong suốt cuộc đời", BĐ Sakaeru Dao Dao đề nghị: "Không ai được cấm học sinh thi vào lớp 10. Hãy để các em được thi theo nguyện vọng, mong ước của các em. Bộ GD-ĐT từng hứa xử lý nghiêm những trường hợp này nhưng vẫn tái diễn việc ép không thi vào lớp 10. Bộ GD-ĐT cần vào cuộc, phải chấn chỉnh ngay".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.