Đừng 'đẩy' học sinh đi để 'đạt chuẩn quốc gia' !

02/07/2022 06:02 GMT+7

Nhiều bạn đọc bất ngờ và bức xúc trước việc để đạt mục tiêu trở thành trường đạt chuẩn quốc gia, một trường tiểu học bất ngờ ra thông báo “đẩy” 597 học sinh sang một trường tiểu học khác trên cùng địa bàn phường.

Như Thanh Niên đã thông tin, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc cho biết họ bất ngờ nhận thông báo con họ sẽ phải chuyển đi trường khác với lý do để trường đủ điều kiện đón danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho rằng việc trường lên chuẩn quốc gia là mục đích, mục tiêu rất tốt, nhưng không thể nóng vội, phải có lộ trình rõ ràng. Quận đã yêu cầu nhà trường tổ chức họp, đối thoại và lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh (HS), trên cơ sở đó mới đưa ra các thông báo, quyết định chính thức.

Trường tiểu học Chu Văn An vốn đã rất quá tải HS, nhưng để phục vụ mục tiêu nâng trường chuẩn quốc gia của Trường Hoàng Liệt mà suýt phải nhận thêm hàng trăm HS trong năm học 2022 - 2023

GIA CHÍNH

Tuy nhiên, sau cuộc họp thống nhất với các trường tiểu học trên địa bàn phường, lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Liệt đã không kịp thời thông báo, tổ chức họp bàn trao đổi lại với phụ huynh về vấn đề phân tuyến, mà trực tiếp đề xuất lên UBND Q.Hoàng Mai. Trong khi đợi quyết định được phê duyệt từ phía UBND quận, nhà trường đã dán thông báo ở cổng trường về việc giảm bớt sĩ số và mục tiêu nâng chuẩn của nhà trường, yêu cầu phụ huynh thực hiện từ ngày 1.7, khiến họ bất ngờ và bức xúc.

Chiều 29.6, ông Trần Quý Thái cho biết UBND quận đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc triển khai phương án điều chuyển HS các lớp 2, 3, 4, 5 khu vực HH3 Linh Đàm đang học tại Trường tiểu học Hoàng Liệt sang học tại Trường tiểu học Chu Văn An, đồng thời họp và lấy ý kiến để hiểu tâm tư nguyện vọng của phụ huynh.

Ủng hộ trường lên chuẩn quốc gia nhưng sao lại “đẩy” học sinh đi ?

“Lên trường chuẩn quốc gia không sai, nhưng cách “dồn” HS sang nơi khác thì sai. Nếu địa phương ngưng các dự án chưa thật bức thiết lại, để dành ngân sách xây thêm trường mới thì là tốt nhất. Hãy lấy mục tiêu vì cuộc sống tốt đẹp thực sự của người dân mà hành động thay vì xoay xở để đạt thành tích trong nhiệm kỳ”, bạn đọc (BĐ) NVH bày tỏ ý kiến.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia phải hướng tới phát triển tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia, chứ không phải bằng cách “thí chốt”.

My Tan

Giáo dục là nghề cao quý, người làm giáo dục phải lấy HS làm trung tâm, lấy sự nghiệp trồng người làm kim chỉ nam. Đừng vì chút thành tích của người lớn mà “đá” các em như đá bóng.

Bui Hong Van

Cùng quan điểm, BĐ binh nguyen thanh cho biết: “Thiết nghĩ, để đạt trường chuẩn quốc gia thì trường đó phải đào tạo để làm sao tất cả các em phải có thành tích học tập tốt, chứ chỉ vì chữ “chuẩn” mà chuyển các em đi thì “chuẩn” làm gì? Vậy các trường khác cũng vì chữ “chuẩn” này mà không nhận thì các em biết học ở đâu?”.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, nhưng cách làm phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cách làm “đẩy” HS trường mình sang trường khác để mình “đạt chuẩn”, còn trường kia đang quá tải lại gánh thêm tải thì có hay ho gì, có công bằng không? Điều quan trọng nhất là trước số lượng HS nhiều như thế thì trước đó đã phải nghĩ ngay tới chuyện xây thêm trường và làm ngay, chứ không phải “đẩy” HS đi. “Đẩy” HS đi như thế là cách làm phản giáo dục. Và hơn hết, phải có một lộ trình phù hợp, có thông báo trước cho phụ huynh, HS yên tâm để thực hiện”, BĐ Binh Le bức xúc.

Tất cả hãy vì quyền lợi của học sinh

Đó là ý kiến của nhiều BĐ trước vụ việc này. BĐ Dương Văn Tuấn đặt vấn đề: “Dự kiến điều chuyển 597 HS từ lớp 2 đến lớp 5 và 146 HS lớp 1 nhập học năm học 2022 - 2023 được đề xuất chuyển sang Trường tiểu học Chu Văn An. Con số này không nhỏ và sự việc quá bất ngờ, sẽ ảnh hưởng tâm lý HS đang theo học như thế nào? Hơn nữa, việc gia đình sắp xếp đưa - đón các HS có khó khăn, trở ngại gì không? Thành tích hay tác dụng ngược?”.

Trong khi đó, BĐ The Nam cho rằng: “Nếu nói bị áp lực phải có trường chuẩn quốc gia, thì những người bị áp lực này có từng bị áp lực về việc phải đối xử công bằng với tất cả HS chưa? Hãy vì quyền lợi của tất cả HS chứ đừng chỉ vì danh hiệu “chuẩn quốc gia” của một trường mà khiến nhiều HS của chính trường này bị “đẩy” đi nơi khác, “góp phần” làm quá tải thêm cho trường khác”.

BĐ Trần Văn Dân cũng lưu ý: “Trường học là nơi phục vụ HS, lấy sự học hành, tiến bộ của HS làm thước đo cho tiêu chuẩn chất lượng của nhà trường, chứ không phải là nơi người ta phục vụ cho thành tích ai đó!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.