Thế nhưng lợi nhuận khủng đẩy các ngân hàng vào cuộc cạnh tranh bán bảo hiểm khốc liệt dẫn đến tình trạng khách hàng đi gửi tiền bị đeo bám, còn vay tiền thì bị ép mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT)... Hình ảnh của BHNT và cả ngân hàng (NH) vì thế, ngày càng trở nên “xấu xí” trong mắt người dùng.
Nói bị ép là không hề quá lời vì các nhà băng thường sử dụng lãi suất ưu đãi và thủ tục nhanh gọn để thuyết phục khách hàng vay mua BHNT. Tiếng là “thuyết phục” nhưng thực tế nhiều trường hợp nếu không mua, việc giải ngân sẽ rất khó khăn. Đang cần vay tiền, đa số khách hàng đều “gật” cho xong việc.
Ép thứ 2 là ngay cả khi khách hàng có nhu cầu, họ cũng không có quyền lựa chọn hãng bảo hiểm (BH) mong muốn vì mỗi NH thường độc quyền phân phối cho một hãng. Nên họ chỉ định mua hãng nào thì khách vay phải mua hãng đó. Ép thứ 3 là họ không được tư vấn đầy đủ các rủi ro, không hiểu rõ về sản phẩm mà họ bỏ tiền ra mua. Rất nhiều người khẳng định, nếu biết rõ, họ sẽ không mua. Lãnh đạo một NH cổ phần cũng thừa nhận, tỷ lệ hủy ngang BH ngày càng cao, dù làm vậy khách hàng phải chấp nhận mất số tiền đóng năm đầu...
Vì sao NH lại ép khách hàng mua BHNT? Đó là vì khoản lợi nhuận kếch xù mang về từ dịch vụ này. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến tín dụng tăng trưởng không như kỳ vọng, tác động lớn đến nguồn thu của NH thì việc bán chéo BHNT trở thành một giải pháp bù đắp phần thiếu hụt đó.
Cứ nhìn vào báo cáo tài chính của các nhà băng sẽ thấy, doanh số và lợi nhuận từ bán chéo BH ngày càng lớn. Tất nhiên, đi kèm là áp lực cạnh tranh ngày càng cao và đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ép khách vay mua BHNT mà cuối năm 2020, NH Nhà nước đã có công văn “tuýt còi”.
Như đã nói trên, NH bán chéo BHNT lẽ ra mang lại tiện ích tài chính cho người sử dụng. Thay vì phải đến 2 - 3 nơi thì chỉ cần một cửa duy nhất, họ có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ tiện ích, phù hợp với nhu cầu như ở nhiều nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam, do chạy theo số lượng thay vì chất lượng, cuộc hôn phối này đang để lại nhiều hệ lụy không tốt cho khách hàng mà điều đáng tiếc nhất là hình ảnh của BHNT, một sản phẩm có ý nghĩa nhân văn, lại trở nên xấu xí hơn.
Thị trường BH còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi tỷ lệ người tham gia BH khiêm tốn, trong khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Phân phối BH qua NH cũng đang mang lại nguồn lợi lớn cho cả 2 phía. Thế nhưng, nếu chính các hãng BH và NH không thay đổi hướng tiếp cận, đó là bán cái khách hàng cần, tư vấn đầy đủ quyền lợi cũng như rủi ro, ý nghĩa thực sự của sản phẩm BH chứ không chỉ chạy theo doanh số và lợi nhuận như hiện nay, thì chắc chắn cuộc hôn phối này cũng đến hồi cáo chung, không chỉ là các biện pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý mà từ chính khách hàng.
Hãy trả lại sự lành mạnh, sự phát triển bền vững và tiện ích thực sự của cuộc hôn nhân giữa BH và NH, như vốn dĩ nó phải như thế.
Bình luận (0)