Đừng để lãng phí chồng lãng phí

Mai Hà
Mai Hà
02/04/2025 04:07 GMT+7

Hơn 1.500 dự án tồn đọng trên khắp cả nước, hàng loạt dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng bỏ hoang suốt nhiều năm là hình ảnh không thể chấp nhận trong một quốc gia đang khát khao phát triển và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Từ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam - dự án tiêu tốn hơn 10.000 tỉ đồng nhưng gần 7 năm để cỏ mọc um tùm, đến hơn 1.500 dự án treo trên cả nước, tất cả đều cho thấy một điểm chung: sự lãng phí kéo dài và thiếu quyết liệt trong xử lý. Chính vì thế, chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng trong quý 2/2025 không chỉ là yêu cầu hành chính, mà là mệnh lệnh phát triển.

Lãng phí không còn là vấn đề quản lý đơn thuần, mà đã trở thành thách thức phát triển. Quyết tâm chính trị và cơ chế đột phá để giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng trên cả nước là rất cấp thiết. Tại TP.HCM, lãnh đạo TP đang rốt ráo chỉ đạo và yêu cầu tháo gỡ 12 nhóm công trình, dự án trì trệ kéo dài. Nếu gỡ được sẽ đưa vào nền kinh tế hơn 47.000 m2 đất và tổng vốn đầu tư hơn 90.000 tỉ đồng.

Mỗi dự án treo là một "nguồn lực bị chôn sống", đất đai không được sử dụng, ngân sách bị giam lại, nhà đầu tư mất niềm tin. Nguy hiểm hơn, sự trì trệ còn tạo tiền lệ xấu về trách nhiệm công vụ, khiến niềm tin xã hội bị bào mòn.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, bên cạnh việc tháo gỡ ngay các dự án lãng phí, chậm tiến độ kéo dài, phải tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý một số dự án điển hình về thất thoát lãng phí để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Bởi đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân, phải có người chịu trách nhiệm nếu cố tình để sai phạm từ kỷ luật của Đảng đến hành chính và thậm chí cao nhất là xử lý hình sự.

Sai ở đâu sửa ở đó. Tháo gỡ các dự án treo như những "ung nhọt" tồn đọng lâu ngày sẽ giúp cơ thể đất nước, của nền kinh tế khỏe mạnh hơn. Theo người đứng đầu Chính phủ, "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai. Quan trọng nhất là phải gỡ bằng được các vướng mắc, ách tắc tại các dự án này, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, doanh nghiệp.

Muốn vậy, cần phải có một giải pháp tổng thể, phải công khai toàn bộ danh mục các dự án chậm tiến độ, minh bạch nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm. Với những chủ đầu tư yếu kém hoặc vi phạm cam kết, cần thu hồi ngay để trao cơ hội cho đơn vị khác có năng lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ rào cản thủ tục, đặc biệt là trong phê duyệt quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng nhằm gỡ nút thắt thể chế.

Các bộ, ban ngành, địa phương, chủ đầu tư phải quyết liệt, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm, phải đưa ra lời hứa và cam kết tiến độ. Nhưng chỉ cam kết là không đủ, cần hệ thống giám sát công khai và ràng buộc tiến độ, chế tài cụ thể với từng cá nhân, tập thể; tránh rơi vào tình trạng "lãng phí chồng lãng phí".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.