Dự kiến thu từ bán vé bóng đá nam
Như Thanh Niên đã đưa tin, Ban Tổ chức (BTC) SEA Games 31 - bao gồm BTC T.Ư và cả một số bộ ngành và địa phương - đã được Chính phủ cấp 750 tỉ đồng. Khi thực hiện quyết toán vào cuối năm, nếu Việt Nam có được nguồn thu tốt thì sẽ hỗ trợ được một phần cho nguồn chi. Theo đúng điều lệ của SEA Games, nước chủ nhà đại hội được quyền thu ăn ở của các đoàn tham dự và năm nay, BTC SEA Games 31 dự kiến thu khoản này từ các đoàn vào khoảng hơn 100 tỉ đồng. BTC đặt ra mục tiêu thu từ hoạt động tài trợ, quảng cáo vào khoảng 70 tỉ đồng nhưng đến nay đã thu được 100 tỉ đồng. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các khoản đóng góp của các đoàn tham dự SEA Games 31, khoản từ vận động tài trợ hay các nguồn kinh phí hợp pháp khác (trong đó có nguồn thu từ vé) sẽ được sử dụng làm nguồn chi cho công tác tổ chức của đại hội, số còn lại (nếu có) phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Sân Cẩm Phả, nơi sẽ tổ chức vòng bảng môn bóng đá nữ |
Hoàng Quân |
Còn 2 khoản thu khác, nhiều khả năng BTC sẽ không thu được nhiều như dự kiến hoặc không thu được đồng nào. Việt Nam tổ chức 40 môn thể thao và theo kế hoạch, sẽ có khoản thu từ bán vé. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Thanh Niên, 1 lãnh đạo ngành thể thao cho biết: “SEA Games 31 bị hoãn, phải dời từ năm 2021 sang năm 2022 với nguyên nhân dịch bệnh Covid-19. Khán giả Việt Nam suốt thời gian dài không được thưởng thức các hoạt động thể thao đỉnh cao. Vì thế, BTC đang dự kiến bàn với các địa phương, để thống nhất kế hoạch, có thể sẽ không thu tiền vé của nhiều môn tại SEA Games 31. Trong trường hợp, dịch bệnh Covid-19 không phức tạp và được kiểm soát tốt thì BTC các địa phương khuyến khích khán giả đến các nhà thi đấu và miễn phí vé. Dĩ nhiên vẫn phải yêu cầu BTC các địa phương phải có phương án đảm bảo an ninh, y tế để không dẫn đến tình trạng “vỡ” nhà thi đấu vì quá tải. Nhiều khả năng, các nhà thi đấu sẽ đón số lượng khán giả nhất định chứ không mở hết công suất.
Nhưng cũng có môn sẽ tiến hành bán vé, như bóng đá nam. BTC đại hội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và BTC sân Việt Trì - nơi diễn ra bảng đấu có đội U.23 Việt Nam, chắc chắn sẽ bán vé, nhưng có thể với số lượng hạn chế. Đội bóng đá nữ Việt Nam thi đấu ở sân Cẩm Phả - Quảng Ninh, địa phương cũng đang cân nhắc 2 phương án, hoặc bán vé hoặc miễn phí”.
“Bóng đang trong chân” VOC
Nhà nước khuyến khích BTC SEA Games 31 tăng nguồn thu, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước. Trong các nguồn thu hợp pháp, ngoài nguồn thu từ tài trợ, tiền ăn ở của các đoàn hay tiền từ nhượng quyền thương mại, tiền thu từ bán vé, còn 1 khoản thu khác từ bản quyền truyền hình (BQTH) đại hội. Như Thanh Niên đã từng đề cập trong một số bài viết, theo điều lệ SEA Games do Hội đồng thể thao Đông Nam Á thông qua, SEA Games diễn ra ở đâu thì BQTH của đại hội năm đó thuộc về Ủy ban Olympic quốc gia đăng cai và ủy ban này sẽ có nhiệm vụ cung cấp miễn phí BQTH cho các đài quảng bá. Như vậy, BQTH SEA Games 31 thuộc về Ủy ban Olympic VN (VOC). VOC sẽ cung cấp miễn phí không chỉ cho các đài quảng bá tại VN (với VTV được chọn là đài truyền hình chủ nhà, cung cấp tín hiệu cho các đài khác) mà còn cho các đài trong khu vực. Tuy nhiên, Hội đồng thể thao Đông Nam Á không cấm chủ nhà của SEA Games bán BQTH cho các đài truyền hình trả tiền.
Từ 8 kỳ SEA Games trở lại đây, các nước trong khu vực khi đăng cai đại hội đã thu được khá nhiều tiền từ BQTH khi bán gói này cho nhiều đơn vị truyền hình trả tiền của khu vực. Có thể hiểu, “bóng đang trong chân” của VOC nhưng thật tiếc là đến thời điểm này, VOC lại chưa dám quyết. Trong khi một vài đài của Indonesia, Malaysia, Singapore đã ngỏ lời muốn mua nhưng VOC chưa có câu trả lời vì còn phải hỏi ý kiến của Hội đồng Đông Nam Á. Mới đây, BTC đại hội cũng đã có văn bản về vấn đề này, trình Bộ VH-TT-DL để xin chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng kiêm Chủ tịch VOC. Nếu VOC không bán, Việt Nam sẽ bị lãng phí nguồn tài nguyên từ BQTH mà con số dự báo có thể mất trên dưới 100 tỉ đồng.
Hà Nội chi 600 tỉ đồng nâng cấp cơ sở vật chất
Với các thiết chế thể thao tại TP.Hà Nội và các địa phương vệ tinh gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang thì tất cả các địa phương này chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác (nếu có) để nâng cấp, cải tạo các công trình phục vụ SEA Games. Trong số đó, Hà Nội đã dự toán nguồn kinh phí gần 600 tỉ đồng, gồm: 8 công trình do Sở VH-TT Hà Nội quản lý và giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa - xã hội làm chủ đầu tư; 12 dự án do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư. Còn các địa phương vệ tinh, kinh phí sửa chữa các công trình, dao động từ 25 tỉ đồng đến 300 tỉ đồng.
Trung Ninh
Bình luận (0)