Vẫn biết những người nông dân ven sông Bưởi ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đều đã có sự chuẩn bị, phòng ngừa những rủi ro trong sản xuất, chăn nuôi nhưng rõ ràng vụ cá chết đột ngột chả khác gì quả chùy giáng xuống quá mạnh, bất ngờ khiến họ không kịp trở tay khi hữu sự.
Chỉ trong một đêm, mất trắng hàng trăm triệu đồng, có tài thánh cũng không xoay trở kịp. Cứ như báo chí phản ánh thì họ chỉ còn biết mếu máo, bất lực, ôm cá mà khóc trong cơn bấn loạn. Thì còn biết làm gì hơn khi bao nhiêu tài sản, dự định, kế hoạch làm ăn sắp tới, hy vọng… đổ hết cả xuống dòng nước thối.
Mà không chỉ bà con mấy xã huyện Thạch Thành xứ Thanh, đó đây mấy ngày qua cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dân nuôi cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ở Khánh Hòa, ở Đồng Nai… cũng đang điêu đứng do cá chết bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Cá ngoài biển, dù bị chết, nhưng đó là sự đầu tư của ông trời, của tự nhiên, chỉ gây hại phần nào đối với ngư dân, với người làm nghề đánh bắt, với xã hội nói chung; nhưng cá nuôi của nông dân bị chết, tất cả mọi thiệt hại dồn lên nhà đầu tư là bà con nông dân.
Hãy nghe chị Nguyễn Thị Báu ở thôn Bãi Cháy, xã Thạch Vinh, huyện Thạch Thành kể lại với báo điện tử VNN: Đêm 5.5, nghe người ta báo nước phía thượng nguồn bị ô nhiễm, tôi bủn rủn cả tay chân. Nửa đêm ngửi thấy mùi nước sông Bưởi bốc lên hôi thối nồng nặc, nước đen, đặc quánh lại. Cả 4 lồng cá nhà tôi nhảy loạn xạ, rồi chúng ngửa bụng ra chết. Đến sáng sớm, 4 lồng cá không còn con nào sống sót. Những bè cá này tôi nuôi đã lâu nhưng chưa thu hoạch. Trong lồng còn hơn 400 con cá trắm trọng lượng 3-8kg/con, ước tính tổng trị giá 300 triệu đồng. Nay thì mất trắng, chỉ sau một đêm.
Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cho biết đang tiến hành điều tra xác định nguyên nhân vụ này, nhưng rất nhiều khả năng thủ phạm là nhà máy đường (của Công ty Mía đường Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) ở thượng nguồn, xả thải ồ ạt khiến nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng. Người trên bờ còn không chịu nổi, huống chi cá thở trong nước ấy.
Trên cả nước ta có biết bao nhiêu chị Báu. Họ chỉ mong được yên ổn làm ăn trong môi trường xã hội và tự nhiên thuận lợi, nhưng họ phải gánh chịu quá nhiều bất trắc, nguy cơ làm họ sạt nghiệp. Và cũng có rất nhiều doanh nghiệp như cái nhà máy của Công ty Mía đường Hòa Bình kia, bất chấp tất cả, kể cả việc hủy hoại môi trường sống và cuộc sống sản xuất, sinh hoạt an lành của nhân dân.
Cá bè chết hàng loạt trên sông Đồng Nai ngày 4.1 - Ảnh: Lê Lâm
|
Đã có rất nhiều nghi ngờ về những nhà đầu tư lập dự án chọn vị trí xây dựng nhà máy, công xưởng ven sông, ven biển. Dư luận đồ rằng họ tìm thấy ở đó chỗ để xả thải trong quá trình sản xuất, vừa “tiết kiệm” chi phí đầu tư, vừa dễ qua mặt cơ quan chức năng và người dân. Sông, biển là của chung, mà cha chung thì không ai khóc.
Chính tôi đã tận mắt chứng kiến một cơ sở dịch vụ rửa xe ô tô, xe máy trên con đường 353 ven sông Đa Độ (H.Kiến Thụy, Hải Phòng), nước rửa xe hút từ dưới sông, nước thải sau khi rửa có cả dầu nhớt, tạp bẩn cũng tuôn hết xuống sông. Chủ tiệm bảo không đổ xuống sông thì đổ đi đâu, mà có tí ti dầu nhớt, ăn nhằm gì. Họ đâu thèm hiểu, mỗi ông một tí ti cũng đủ khiến một dòng sông vốn trong xanh, tinh sạch trở thành dòng sông thối.
Có lẽ đã đến lúc các bộ ngành liên quan cần làm cuộc tổng rà soát tất cả các cơ sở sản xuất, dịch vụ lớn nhỏ ven sông, ven biển, thậm chí ven hồ để xem cái mưu đồ, cái ý thức bảo vệ môi trường của chúng như thế nào. Vi phạm là phạt ngay, không cần phải nghe diễn giải, phân trần, lý do lý trấu này nọ. Có thế thì mới mong chấm dứt được những vụ việc như vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, chấm dứt cảnh người nông dân mếu máo trước tai bay vạ gió.
Nhà nước đã có đủ cả luật đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, luật về môi trường… để căn cứ vào đó xử lý những trường hợp vi phạm. Đã có những vụ việc vi phạm quy định về môi trường, như vụ Công ty Vedan ở Đồng Nai làm chết sông Thị Vải năm xưa bị xử lý, chế tài nghiêm khắc, nêu ra bài học cần thiết cho những nhà đầu tư khác. Nhưng dường như với các doanh nghiệp trong nước, sự xử lý vi phạm còn xuê xoa, nhẹ nhàng, kiểu trong nhà đóng cửa bảo nhau, giơ cao đánh khẽ. Đâm ra nhờn.
Còn đối với nông dân, với người chịu thiệt hại, sự chăm lo, bảo vệ họ của bộ máy công quyền cũng không được rốt ráo, trách nhiệm cho lắm. Vụ cá nuôi trên sông Bưởi bị chết chẳng hạn, ngay khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng và chính quyền ngoài việc khẩn trương truy tìm nguyên nhân thì cũng phải cử người nắm bắt, giúp nông dân xác định cụ thể thiệt hại, lấy đó làm chứng cứ, bằng chứng để sau này có cơ sở bồi thường. Chứ đừng quan liêu kiểu trường hợp bồi thường vụ oan sai của ông Huỳnh Văn Nén, yêu cầu ông ấy phải có chứng cứ cụ thể về thiệt hại những ngày ở tù, có khác gì thách đố nhau.
Thế thì, trong lúc dân mếu máo, hãy giúp họ những việc cần thiết chứ đừng để họ bơ vơ, nạn này chưa xong lại chịu thêm nạn khác.
Bình luận (0)