Đừng để nộp thuế thành gánh nặng

26/05/2023 04:07 GMT+7

Đề nghị Chính phủ sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ tháng 7.2020 đã không còn đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Điều mà đại biểu Thanh Mai đề cập cũng là nỗi lòng của hàng triệu người đóng thuế mấy năm nay, cũng là vấn đề đã được các chuyên gia thuế, chuyên gia kinh tế phân tích thấu đáo rất nhiều lần. Thế nhưng, Bộ Tài chính vẫn bỏ qua hết lần này đến lần khác. Và cũng chính vì thu nhập không đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản nên không ít gia đình phải "giật gấu vá vai", lo trang trải cuộc sống không đủ mà vẫn phải đóng thuế.

Nghịch lý này khiến chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chẳng những không "khoan sức dân" mà còn khiến người nộp thuế thấy ấm ức vì không hợp lý và thiếu hẳn sự chia sẻ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Thực ra ai cũng hiểu, một trong những lý do chính khiến Bộ Tài chính trì hoãn điều chỉnh các ngưỡng thuế TNCN có lẽ là do e ngại ngân sách sẽ hụt đi một khoản. Thế nhưng, lịch sử những lần điều chỉnh thuế trước cho thấy chưa lần nào số thu giảm, ngược lại còn tăng mạnh. Sắc thuế TNCN đã ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong cơ cấu thuế, nên lo lắng này là không cần thiết. Quan trọng hơn, chỉ một chính sách thuế hợp lý hợp tình mới có thể khuyến khích người dân tự nguyện đóng thuế thay vì tìm mọi cách để trốn thuế. Chưa kể thuế TNCN hiện nay vẫn chỉ tập trung nắm những "người có tóc". Những cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương là đối tượng nộp thuế "không thiếu một đồng" vì ngành thuế theo sát các cơ quan chi trả thu nhập. Trong khi đó, những cá nhân hành nghề tự do, cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi, kinh doanh qua mạng, chuyển thu nhập sang công ty danh nghĩa... vẫn "lọt lưới". Cho nên, thay vì giữ mức thuế lạc hậu vì lo hụt nguồn thu, ngành thuế cần tìm cách quản lý được hết các nhóm này thì vừa không bị thất thoát, vừa chia sẻ được với người dân, vừa tạo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế.

Có một vấn đề cần lưu ý khi điều chỉnh luật thuế TNCN để tránh tình trạng chưa áp dụng đã lạc hậu là không nên quy định khi CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh như hiện nay. Bởi thống kê CPI thực tế chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Áp dụng quy định này thời gian qua đã gây thiệt thòi lớn cho người nộp thuế. Đặc biệt mấy năm gần đây, lạm phát của VN thường chỉ có tăng trong khoảng 4 - 5%, nên để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất tới 5 năm và đó cũng chính là cái cớ mà Bộ Tài chính vin vào để chần chừ trong việc điều chỉnh thuế. Còn điều chỉnh theo phương pháp nào, bậc thuế nên giảm xuống bao nhiêu... đã có nhiều đề xuất, kiến nghị lên Bộ Tài chính, thiết nghĩ không cần nhắc lại ở đây.

Đất nước đã trải qua 3 - 4 năm khó khăn liên tục do dịch bệnh, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới... Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước đã sử dụng đưa ra nhiều giải pháp thuế, vốn, lãi vay... nhưng riêng người làm công ăn lương và người dân đóng thuế TNCN nói chung chưa được hưởng một sự chia sẻ nào tương tự.

Vì vậy, điều chỉnh sớm thuế TNCN là cần thiết và cấp bách, quan trọng để giảm gánh nặng cơm áo gạo tiền cho người nộp thuế, để nộp thuế không trở thành gánh nặng với họ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.