Làm rõ trách nhiệm để lãng phí nguồn vốn

Anh Vũ
Anh Vũ
25/05/2023 04:13 GMT+7

Đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch về việc vay, trả nợ giai đoạn 2023 - 2025. Trong 3 năm tới, ngân sách T.Ư vay hơn 1,8 triệu tỉ đồng. Cũng thời gian này, chúng ta phải trả nợ hơn 1 triệu tỉ đồng.

Đất nước còn khó khăn, ngân khố eo hẹp buộc Quốc hội phải nới trần nợ công, đi vay tăng đầu tư, phục hồi kinh tế - xã hội (KT-XH) sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo tại kỳ họp đang diễn ra cho thấy tình trạng có tiền không tiêu, không giao vốn, không giải ngân được lại tái diễn. Vốn cho chương trình phục hồi KT-XH "treo" hơn 14.000 tỉ đồng; vốn đầu tư công trung hạn đến 2025 "treo" gần 279.000 tỉ đồng.

Không chỉ giao vốn, giải ngân cũng đang tắc với tỷ lệ rất thấp. Hết tháng 4, vốn đầu tư công mới giải ngân được 14,6% kế hoạch. Ngay cả chương trình cấp bách như phục hồi KT-XH, giải ngân cũng đang rất chậm. Chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại kết quả lại càng thấp. Đến cuối tháng 3.2023, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 327 tỉ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực…

Trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT không ngần ngại nói thẳng, ngoài nguyên nhân khách quan không ít lãnh đạo còn tư duy nhiệm kỳ, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy. Trong khi đó, lần đầu tiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng "lãng phí" nguồn vốn phục hồi KT-XH.

Cũng phải nói, sau nhiều năm chúng ta đã có những chuyển biến tích cực về đầu tư công, song rõ ràng tới nay căn bệnh chậm giải ngân, lãng phí vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh càng trầm trọng hơn khi áp lực vay, trả nợ đang ngày càng lớn, lãi suất ngày càng cao, trong khi nguồn thu sụt giảm, doanh nghiệp phá sản…

Có rất nhiều lý do để giải thích, từ thủ tục nhiêu khê; phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng; sự chồng chéo cơ chế, chính sách... nhưng quan trọng là chính tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, tư duy nhiệm kỳ đang kìm hãm, trói buộc tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Trong tình huống đất nước rơi vào khó khăn như hiện nay, nếu cán bộ trách nhiệm ở nơi nào thu mình, "đi nhẹ nói khẽ" thì chắc chắn ở đó sẽ trì trệ, ì ạch.

Quốc hội đã yêu cầu, cử tri chờ đợi sự nghiêm minh, sự quyết liệt trong xử lý trách nhiệm như tinh thần mà Tổng Bí thư, Thủ tướng đã từng khẳng định "ai không dám làm thì đứng sang một bên". Quan trọng hơn cả, điều cử tri mong muốn là những giải pháp căn cơ để đồng vốn vay chảy vào dự án hiệu quả, lan tỏa ra cả nền kinh tế, giúp doanh nghiệp hồi sinh, người lao động có công ăn việc làm… thay vì dự án treo, công trình nghìn tỉ "trơ gan cùng tuế nguyệt"!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.