Đừng để sách giáo khoa thành gánh nặng với gia đình học sinh

08/07/2022 05:08 GMT+7

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo do liên quan tổ chức sản xuất, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành… sách giáo khoa mới.

Thông tin Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo do liên quan tổ chức sản xuất, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành… sách giáo khoa mới, khiến câu chuyện về giá sản phẩm này càng thêm “nóng” sau khi đã tăng cao hơn sách chương trình cũ 3 - 4 lần.

Thanh Niên từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng sách giáo khoa (SGK) tăng giá làm tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh học sinh (HS). Thanh Niên cũng thông tin ngày 5.7 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bằng hình thức cảnh cáo.

Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi sau thuế 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa

N.T.

Lý do, ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới; đồng thời thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết...

Thay sách mỗi năm đang là gánh nặng cho các gia đình

Về vụ việc nêu trên, cùng với một số lùm xùm liên quan việc biên soạn, in ấn, giá SGK… trong thời gian qua, bạn đọc (BĐ) đã đưa ra nhiều kiến nghị.

BĐ Pham Hoang Hai bày tỏ: “Có người nói vui rằng Việt Nam là nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới vì năm nào cũng cải cách giáo dục, cải cách SGK. Nhưng thực tế thì sao? SGK thay đổi nội dung hằng năm nên không thể dùng lại sách năm trước khiến việc mua SGK là gánh nặng kinh tế cho không ít gia đình nghèo. Đáng lẽ SGK được biên soạn để áp dụng dạy và học cho 5 - 10 năm hoặc lâu hơn như giai đoạn trước năm 2000 để giảm áp lực kinh tế lẫn dạy và học cho HS, chứ không phải trở thành gánh nặng như bây giờ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (Bộ GD-ĐT đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn - PV), phục vụ cho giáo dục, đáng lẽ phải phi lợi nhuận. Chúng ta đã lãng phí rất nhiều tiền ngân sách để chi cho việc biên soạn SGK, cải cách giáo dục, cải cách dạy và học mà chưa thu được hiệu quả mong muốn”, đồng thời đề xuất: “Nên chăng chỉ cải cách, biên soạn SGK 1 lần và sử dụng trong nhiều năm và tùy tình hình thực tiễn mà chỉnh lý như ngày trước để vừa giảm ngân sách chi cho biên soạn, cải cách hằng năm; dùng tiền đó để nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng thêm phòng học cho HS vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ HS nghèo...”.

Còn theo BĐ Tran Phap Tam, sau khi biên soạn SGK cần đưa ra đấu thầu rộng rãi để các công ty in ấn cạnh tranh nhau về giá; hoặc có thể áp dụng “công nghệ 4.0” bằng cách đưa nội dung SGK lên mạng để HS có thể tải xuống học. “Một bộ sách cả triệu đồng, chưa kể giáo viên giới thiệu mua thêm sách tham khảo, nhưng qua năm sau không dùng được, đem bán giấy vụn được 15.000 đồng (!). Công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giáo dục được thể hiện thế nào đây?”, BĐ Tran Phap Tam nêu.

Giám sát chặt giá sách giáo khoa

Theo BĐ Võ Kim Liên, những phản ứng của người dân, phụ huynh HS liên quan đến giá SGK trong thời gian qua là có cơ sở; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua đã khiến nhiều gia đình mất việc, bị giảm việc, giảm thu nhập… và nhiều hệ lụy khác.

“Nghị quyết số 63 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (thông qua ngày 16.6) có nội dung bổ sung SGK vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá khi sửa đổi luật Giá; trước mắt Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí… Theo tôi, có thể giảm bớt gánh nặng nào cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này thì nên thực hiện. Trong thời gian tới, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa trong việc biên soạn, in ấn, giá bán SGK…”, BĐ này ý kiến.

“Nhà nước cần có cách quản lý riêng về mảng này, bởi giáo dục rất quan trọng, là tương lai của đất nước. Cần phi lợi nhuận để tránh tiêu cực, giáo dục là làm giàu tri thức, làm giàu đất nước”, BĐ Thu Nguyen Dac kiến nghị.

* Dù là thời buổi kinh tế thị trường nhưng với vai trò và trách nhiệm nhà nước và nhân dân giao phó thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa làm được việc hài hòa lợi ích nhà nước và người dân. Nhất là trong bối cảnh nhân dân gồng mình vì dịch bệnh và áp lực cuộc sống hậu Covid-19.

L.P.Nam

* Quan trọng hơn, khi đã phát hiện được những khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật về in ấn, kinh doanh, biên soạn… SGK mới thì cần điều tra làm rõ động cơ và trách nhiệm của những người liên quan. Cũng là một phụ huynh, tôi xin hỏi: Trong những năm qua, nhiều lần nâng giá SGK dẫn đến HS mỗi năm phải bỏ tiền mua sách mới trách nhiệm thuộc về ai?

Kim Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.