Đừng để 'trên thông, dưới tắc'

Thu Hằng
Thu Hằng
20/05/2022 04:31 GMT+7

Những tưởng với thời gian thực hiện thủ tục chi gói hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được rút gọn 11 ngày, ngắn hơn nhiều so với các chính sách hỗ trợ trước đây, hơn 3,4 triệu người lao động (NLĐ) sẽ sớm nhận được tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt sau dịch Covid-19, thế nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

Còn nhớ, sau Tết Nguyên đán 2022, khi Bộ LĐ-TB-XH công bố trình Chính phủ gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà trọ, nhiều chuyên gia và NLĐ đánh giá, đây là chính sách hết sức nhân văn, kịp thời; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp “giữ chân” NLĐ để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, chính sách này còn để hút những lao động do đại dịch Covid-19 đã về quê trở lại TP làm việc.

Gói hỗ trợ đã được phê duyệt nhưng gần 2 tháng trôi qua, chưa có lao động nào nhận được tiền hỗ trợ và chưa biết đến bao giờ tiền mới đến tay NLĐ.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), đến ngày 16.5, có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ, 2 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên) không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ. Đáng buồn hơn, 8 tỉnh chưa có kế hoạch triển khai, nhiều địa phương mới dừng ở bước tập hợp danh sách NLĐ.

Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ, nhiều địa phương cho rằng, vẫn đang rà soát, hoàn thiện các thủ tục, do doanh nghiệp thiếu nhân lực, do một số đơn vị chậm ban hành hướng dẫn, do NLĐ nộp hồ sơ lắt nhắt… Tuy nhiên, ngoài các lý do trên, còn có nguyên nhân khác là do vướng thủ tục hành chính. Qua giám sát của Tổng liên đoàn Lao động VN về chính sách thực tế tại một số địa phương cho thấy, yêu cầu bắt buộc phải có chữ ký xác nhận của chủ nhà trọ đang gây khó cho NLĐ. Nhiều nơi còn “đẻ” ra “thủ tục con” yêu cầu NLĐ phải có đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Với nhiều người, số tiền hỗ trợ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng, tối đa trong 3 tháng, có thể không lớn, nhưng với những công nhân 2 năm chưa được tăng lương, mất việc, trắng tay vì dịch Covid-19 thì rất đáng quý. Dù vậy, việc mất thời gian với các thủ tục hành chính đã khiến nhiều người nản lòng.

Chính sách đã ban hành, tiền thì có mà không thể giải ngân, với tình trạng ì ạch, “trên thông, dưới tắc” như hiện nay, có lẽ sang đến tháng 6 chưa chắc NLĐ đã được nhận tiền hỗ trợ.

Việc chậm triển khai gói hỗ trợ của các địa phương cũng đã khiến Thủ tướng Chính phủ sốt ruột và yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH đi giám sát tại các địa phương. Trong ngày hôm qua (19.5), Thủ tướng cũng đã có công điện về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, Thủ tướng đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo hoàn thành chính sách trong tháng 8.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, các địa phương cũng cần tăng cường nhân lực, rút ngắn thời gian xét duyệt. Một chính sách nhân văn mà chậm triển khai sẽ mất hết ý nghĩa và có lỗi với NLĐ, bởi lúc họ khó khăn nhất, cần giúp đỡ nhất thì không được hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.