Đụng độ chết người ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

17/06/2020 07:06 GMT+7

Khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc vừa chứng kiến vụ đụng độ dẫn đến chết người đầu tiên trong hơn 4 thập niên qua.

Quân đội Ấn Độ xác nhận vụ đụng độ xảy ra tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir, theo AFP. “Cuộc đối đầu bạo lực diễn ra vào tối 15.6 và hai bên đều có thương vong. Phía Ấn Độ có 3 quân nhân thiệt mạng, bao gồm một sĩ quan cấp bậc đại tá.
Các quan chức quân sự cấp cao hai bên đang tiếp xúc tại khu vực xảy ra đụng độ để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này”, quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Đụng độ tại biên giới Trung-Ấn: 20 lính Ấn Độ thiệt mạng

Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho AFP biết: “Không có nổ súng. Hai bên không sử dụng vũ khí. Đây là một vụ ẩu đả”. Tờ Hindustan Times dẫn lời nguồn tin tiết lộ 3 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng do bị ném đá và đánh bằng gậy.

Trung Quốc đổ lỗi

Phía Trung Quốc không nhắc đến thương vong, nhưng đổ lỗi cho Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần trong ngày 15.6, “khiêu khích và tấn công binh sĩ Trung Quốc, dẫn đến cuộc ẩu đả nghiêm trọng”.

Tần suất xâm nhập tăng cao

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng tần suất quân đội Trung Quốc xâm nhập phía Ấn Độ có chiều hướng tăng lên trong nhiều năm qua. Cụ thể, theo một số báo cáo, quân đội Trung Quốc tiến hành 213 vụ xâm nhập vào năm 2011, và số lần ở các năm tiếp theo là: 426 (năm 2012), 411 (năm 2013), 460 (năm 2014), 428 (năm 2015), 296 (năm 2016), 473 (năm 2017), 404 (năm 2018) rồi lên đến 663 lần (năm 2019).
Hoàng Đình
“Chúng tôi một lần nữa yêu cầu phía Ấn Độ kiềm chế các binh sĩ ở khu vực biên giới”, ông Triệu nói. Tiếp đó, quân đội Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ chấm dứt hành động khiêu khích và đối thoại để giải quyết các bất đồng.
Đụng độ chết người ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Lính Ấn Độ đứng gác tại khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc

Ảnh: AFP

Trên Twitter, Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời báo, ông Hồ Tích Tiến cho rằng phía Trung Quốc cũng chịu tổn thất sau vụ ẩu đả nhưng không rõ có bao nhiêu người chết hay bị thương. Trong khi đó, cũng trên Twitter, nữ phóng viên Vương Văn Văn của tờ báo này cho rằng có 5 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và 11 người bị thương.

3 phút tìm hiểu về xung đột chết người trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên kể từ năm 1975 tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Truyền thông Ấn Độ cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn còn hiện diện tại một số khu vực ở thung lũng Galwan sau vụ đụng độ và đang kiểm soát một số khu vực ở phía bắc hồ Pangong, vùng Ladakh. Trước đó, một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị thương ở Ladakh sau vụ đánh nhau tay đôi và ném đá vào ngày 9.5.
Diễn biến trên xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần rồi thông báo đã đạt được “sự đồng thuận tích cực” với Ấn Độ về việc giải quyết căng thẳng tại biên giới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cam kết về liên lạc thông qua kênh ngoại giao lẫn quân sự để giải quyết tình hình và đảm bảo hòa bình ở khu vực biên giới.
Đụng độ chết người ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại một khu vực biên giới hai nước

Ảnh: PTI

Căng thẳng biên giới kéo dài

Trong vòng 2 năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố tìm cách xoa dịu căng thẳng biên giới trong lúc tham dự các hội nghị thượng đỉnh. Ấn Độ - Trung Quốc có một số tranh chấp tại khu vực biên giới dài khoảng 3.500 km, còn được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), và hai bên chưa bao giờ nhất trí về độ dài của LAC. Ấn Độ khẳng định LAC dài 3.500 km. Bắc Kinh không đưa ra con số cụ thể nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng LAC chỉ dài 2.000 km, bao gồm cả một số khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Jammu, Kashmir, Ladakh cùng những vùng khác.
Chiến tranh biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã bùng nổ từ ngày 1.10 - 21.11.1962, trong đó Trung Quốc chiếm được một số vùng lãnh thổ từ Ấn Độ, theo AFP. Sau đó, một vụ đụng độ chết người xảy ra vào năm 1967, với hơn 80 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ước tính khoảng 400 lính Trung Quốc tử trận.
Đụng độ chết người ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy binh sĩ Trung Quốc hạ gục một số binh sĩ Ấn Độ ở khu vực biên giới hôm 9.5

Ảnh: chụp màn hình wechat

Vụ đụng độ năm 1967 thường được nhớ đến là tiếng súng nổ cuối cùng tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1975, bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng sau khi bị lính Trung Quốc phục kích trong lúc họ tuần tra dọc theo LAC tại khu vực thuộc bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ), theo tờ The Hindu. Năm 2017 từng chứng kiến cuộc đối đầu kéo dài 72 ngày sau khi lực lượng quân sự Trung Quốc di chuyển vào cao nguyên tranh chấp Doklam ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ - Bhutan.
Kể từ đầu tháng 5.2020, một cuộc đối đầu xảy ra giữa hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Ladakh. Cụ thể, sau vụ ẩu đả hôm 9.5, hai bên bắt đầu triển khai thêm nhiều binh sĩ đến khu vực biên giới. Vào ngày 12.5, các máy bay trực thăng quân sự Trung Quốc đã bay gần LAC sau khi một phi đội chiến đấu cơ Su-30 của Ấn Độ xuất hiện gần đó.
Đến ngày 6.6, các tướng lĩnh Trung Quốc - Ấn Độ hội đàm, nhất trí không làm leo thang tranh chấp biên giới thành xung đột. Tuy nhiên, trong cùng ngày hôm đó, tờ Hoàn Cầu Thời báo đưa tin Trung Quốc huy động hàng ngàn lính dù, xe bọc thép tham gia cuộc tập trận gần biên giới với Ấn Độ.
Bà Alice Wells, quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, hồi tháng 5 từng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách làm đảo lộn sự cân bằng khu vực và cần phải có biện pháp ứng phó Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Mỹ làm trung gian hòa giải cho Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên đều bác bỏ lời đề nghị này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.