Đừng quên ô nhiễm không khí

Lê Quân
Lê Quân
07/11/2020 08:00 GMT+7

Mùa thu 2019, người dân cả nước, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM quay cuồng lo ngại vì ô nhiễm không khí kéo dài , liên tục được cảnh báo.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ truyền đi ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí
Nhiều cơ quan nhà nước, trong đó, có Bộ TN-MT sốt sắng triệu tập nhiều cuộc họp tìm nguyên nhân, bàn giải pháp đối phó. Bộ Y tế ra khuyến cáo người dân cần bảo vệ sức khỏe, phòng tránh ô nhiễm không khí. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tuyên bố thể hiện ý chí quyết tâm đẩy lùi ô nhiễm không khí.
Khi đó lập tức các cơ quan từ T.Ư đến địa phương “vào cuộc”. Sở TN-MT Hà Nội công bố nghiên cứu chỉ ra 12 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội; các bộ như Công thương, GTVT cũng có nhiều động thái: kiểm soát các hoạt động các nhà máy có lượng phát thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao như nhiệt điện, than, dầu khí, thép, hóa chất, rà soát, kiểm tra các tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông, chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, tăng cường phương tiện công cộng… Nhưng, đấy là chuyện của năm trước!
Nhiều người kỳ vọng, chừng ấy động thái của cơ quan chức năng, bộ ngành vào cuộc sẽ hạn chế được ô nhiễm không khí. Nhưng thực tế, kể từ đó đến nay, ô nhiễm không khí chưa lúc nào nằm trong tầm kiểm soát.
Vài ngày gần đây, Tổ chức Quan trắc chất lượng không khí thế giới (Air Visual) liên tục xếp hạng Hà Nội vào top 10 TP ô nhiễm không khí nhất thế giới. Màn hình hiển thị của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí Pam Air cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tất cả mọi người.
Thế nhưng, tuyệt nhiên không thấy cảnh báo ô nhiễm không khí từ phía các cơ quan chức năng. Cổng thông tin của Bộ TN-MT và Tổng cục Môi trường không thấy dòng tin mới nào về ô nhiễm không khí. Trong khi đó, người dân “ngụp lặn” trong bầu không khí được các ứng dụng phi nhà nước cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân có quyền thắc mắc, các cơ quan chức năng đã và đang làm gì để kiểm soát ô nhiễm không khí?
Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 11.11 tới, chỉ vỏn vẹn 1 trang nhắc đến ô nhiễm không khí dù trước đó nhiều chuyên gia tâm huyết đã gửi góp ý nhưng không biết có được tiếp thu. Thậm chí, có quan điểm còn siết chặt việc để tự do cho tư nhân phát triển hệ thống quan trắc chất lượng không khí, công khai cho người dân biết…
Như vậy, đủ hiểu ô nhiễm không khí được coi trọng hay không. Người dân cần thấy vai trò cơ quan nhà nước trong chống ô nhiễm không khí hơn là lời nói êm tai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.