Dùng sổ hộ khẩu giấy đến hết 2022

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/11/2020 05:53 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu, quy định theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022.

Ngày 13.11, với 449/455 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Cư trú sửa đổi, với thay đổi căn bản nhất là chuyển đổi phương thức quản lý cư trú, bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy được dùng hàng chục năm nay.
Trước đó, vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong quá trình thảo luận xây dựng luật này là việc bỏ sổ hộ khẩu ngay từ 1.7.2021 khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, hay cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đến hết năm 2022, để chứng minh thông tin nơi cư trú. Đề xuất kéo dài thời gian sử dụng sổ hộ khẩu xuất phát từ lo lắng các thủ tục, giao dịch có sử dụng sổ hộ khẩu chưa kịp liên thông với cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú của phương thức quản lý mới từ 1.7.2021, sẽ gây khó khăn cho người dân.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Tránh phát sinh phiền hà cho dân

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày tại QH cho hay, vấn đề cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh nơi cư trú đã được Ủy ban Thường vụ QH gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH.
Kết quả cho thấy, có 266/402 ĐB đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022; 135/402 ĐB đồng ý phương án chấm dứt giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kể từ 1.7.2021.
Ủy ban Thường vụ QH quyết định tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐB, quy định theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú, nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.
Theo ông Tùng, quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của luật ngay từ thời điểm 1.7.2021. Khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò, ngay cả khi chưa đến thời hạn 31.12.2022.

Bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc T.Ư

Ngoài ra, dự thảo luật Cư trú sửa đổi mới được QH thông qua chỉ quy định điều kiện đăng ký thường trú chung cho tất cả các tỉnh, thành; bỏ quy định điều kiện riêng khi đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư tại luật cũ. Trong đó, đáng chú ý nhất là bỏ quy định bắt buộc phải đăng ký tạm trú 1 hoặc 2 năm trở lên (tùy theo huyện hoặc quận) khi đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc T.Ư.
Luật mới cũng quy định, đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, công dân muốn đăng ký thường trú phải đáp ứng 2 điều kiện: được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; đồng thời đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Bộ Công an sẵn sàng quản lý cơ sở cai nghiện ma túy

Cũng trong ngày 13.11, thảo luận luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, nhiều ĐB băn khoăn về quy định giao công an chủ trì trong công tác ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, vì cho rằng có thể dẫn đến chồng lấn nhiệm vụ của các lực lượng biên phòng, hải quan trên địa bàn.

Đại tướng Tô Lâm nói về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hứa sẽ làm rạch ròi vấn đề này như mong muốn của ĐBQH đối với các cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, theo ông Tô Lâm, về cơ quan chủ trì công tác phòng chống ma túy, lâu nay trong các quy định chung vẫn giao Bộ Công an. Ông Lâm dẫn Hiến pháp 2013, luật Công an nhân dân (CAND) 2018, Chỉ thị 36 năm 2019 của Bộ Chính trị và khẳng định CAND là nòng cốt và chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, các lực lượng khác cùng tham gia, phối hợp.
Bộ trưởng Công an cũng cho rằng, theo bộ luật Tố tụng hình sự, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. Trong khi đó, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển cũng được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy, không phải toàn diện trên tất cả các khâu đó. Bộ trưởng Công an đưa ra số liệu kết quả đấu tranh phòng chống ma túy từ năm 2017 - 2019 cho thấy, cơ quan công an phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ về ma túy, trong khi đó, các cơ quan khác tham gia tỷ lệ rất nhỏ.
Về ý kiến ĐB nêu giao Bộ Công an quản lý luôn cơ sở cai nghiện ma túy vốn đang do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, ông Lâm khẳng định Bộ Công an “không ngại vấn đề này”. “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm. Nếu thấy hiệu quả, Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”, ông Lâm nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.