Điều này cho thấy việc bảo vệ đường biên giới trên bộ dài hơn 4.600 km và đường bờ biển dài 3.260 km để ngăn chặn nhập cảnh trái phép, bảo vệ an toàn phòng dịch Covid-19 không phải chuyện đơn giản. Lực lượng biên phòng kiểm soát chặt các cửa khẩu, tăng cường tuần tra biên giới nhưng việc rải quân để kiểm soát liên tục và đảm bảo một trăm phần trăm không có trường hợp thâm nhập biên giới là một nhiệm vụ đầy thử thách.
Trong khá nhiều vụ ngăn chặn nhập cảnh trái phép, người dân có vai trò rất tích cực trong việc cùng nhau giám sát cộng đồng, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường, báo tin cho cơ quan chức năng và phối hợp vây bắt đối tượng. Nhất là trong việc phát hiện các trường hợp thâm nhập biên giới qua đường biển. Ngày 30.3 vừa qua, chính các ngư dân đánh bắt trên biển đã phát hiện một chiếc xuồng composite khả nghi chạy từ phía Campuchia về Việt Nam và kịp thời báo cho lực lượng biên phòng. Tai mắt nhân dân chính là sức mạnh “trinh sát”, sức mạnh “tình báo” đặc biệt hậu thuẫn cho các lực lượng chính quy hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Thế trận an ninh nhân dân là một chiến lược quan trọng để huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho đất nước. Rõ ràng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, khi mà yêu cầu về sự tuân thủ của công dân được đặt lên thành yếu tố hàng đầu để phòng dịch thì cũng là lúc mà chúng ta nhìn thấy vai trò của tai mắt nhân dân.
Đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên thực tế là một mặt trận tổng hợp, cần nhiều lực lượng chuyên trách và chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực tham gia. Đây cũng là mặt trận có nhiều “trận địa” nhất, từ chống trộm cướp cho đến chống ma túy, từ phòng dịch cho đến phòng giặc. Theo đó, làm sao để nâng cao năng lực “trinh sát”, phát hiện kịp thời các nguy cơ xảy ra trong từng ngóc ngách của cuộc sống là một đòi hỏi quan trọng. Người dân và ý thức cảnh giác của người dân sẽ là một lực lượng trinh sát hữu hiệu giúp sức cho lực lượng chức năng. Nhưng chúng ta đã xây dựng đủ các cơ chế và quy tắc để huy động hiệu quả lực lượng này chưa? Hay vẫn cứ để mọi chuyện diễn ra theo kiểu thắng lợi tình cờ?
Thiết lập những hướng dẫn rõ ràng cho người dân để khi phát hiện các trường hợp khả nghi thì biết cách báo cho cơ quan chức năng nhanh nhất, biết cách huy động cộng đồng cùng tham gia. Đặc biệt, phải xác lập những quy tắc rõ ràng trong việc bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người dân đã giúp phát giác tội phạm, tránh việc để lộ thông tin nhân thân của người đã giúp đỡ chính quyền khiến họ và gia đình lâm cảnh rắc rối, nguy hiểm.
Sức dân như nước, biết dụng sức dân thì những ghe thuyền âm mưu của kẻ xấu, của tội phạm dù có tinh vi thế nào cũng bị nhấn chìm, cũng bị lật ngửa mà thôi.
Bình luận (0)