'Dùng súng bắn người, xử tội gì ?': Viện KSND TP.HCM kháng nghị tội 'giết người'

25/09/2022 12:47 GMT+7

Liên quan vụ 'Dùng súng bắn người, xử tội gì ?' mà Thanh Niên đã thông tin, theo kháng nghị, các bị cáo phạm vào tội 'giết người' thay vì tội 'cố ý gây thương tích' vì đầu đạn trong vụ án dùng cho vũ khí 'có khả năng sát thương, nguy hại tính mạng...'.

Ngày 25.9, theo nguồn tin của Thanh Niên, liên quan vụ Dùng súng bắn người, xử tội gì?, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đã ban hành kháng nghị toàn bộ bản án của TAND H.Bình Chánh đối với bị cáo Nguyễn Văn Chiến (39 tuổi) và Nguyễn Tiến Công (37 tuổi, cùng ngụ Hải Phòng) về tội “cố ý gây thương tích”. Đồng thời, đề nghị TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án để điều tra lại vì hành vi của các bị cáo phạm vào tội “giết người”.

Theo nội dung vụ án, Chiến có quan hệ tình cảm với H. Khoảng tháng 5.2019, Chiến phát hiện H. quen T. nên tìm cách níu kéo. Chiến nhờ Công chở đến phòng trọ của H., khi đi Chiến mang theo 1 khẩu súng và 1 túi nước.

Đến nơi, Chiến ném túi nước vào người H. và đánh nhau với T. Công cầm súng bắn 1 phát trúng vào nhà vệ sinh của phòng trọ. Thấy T. và H. bỏ chạy, Công và Chiến liền đuổi theo. Chiến cầm súng bắn 3 phát trúng vào người T. và H. Sau đó, Công và Chiến rời khỏi hiện trường, vứt khẩu súng. T. bị bắn trúng vào tay, bụng, thương tích 21%; H. từ chối giám định.

Xét xử sơ thẩm, do giới hạn việc xét xử theo Điều 298 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, HĐXX tuyên bị cáo Chiến 5 năm tù, bị cáo Công 4 năm tù cùng về tội “cố ý gây thương tích”. HĐXX đã có kiến nghị cấp thẩm quyền kháng nghị bản án để xem xét vụ việc, vì hành vi của các bị cáo có dấu hiệu tội “giết người”.

Kháng nghị các bị cáo phạm tội “giết người”

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND TP.HCM (VKS) phân tích, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội "cố ý gây thương tích" là chưa đúng.

Theo VKS, các bị cáo Chiến và Công dùng súng bắn nhiều phát trúng bị hại T. và H., gây thương tích.

Tại bản kết luận giám định ngày 12.7.2019 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an TP.HCM về đầu đạn thu giữ trong vụ án, là đạn thể thao quốc phòng thuộc nhóm vũ khí thể thao, thường dùng cho các loại súng trường thể thao, súng ngắn ổ quay; các loại súng tự chế có cỡ nòng và buồng đạn phù hợp với kích cỡ loại đạn này.

Công văn ngày 15.9.2022 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an TP.HCM nêu, những loại vũ khí được nêu trong kết luận giám định ngày 12.7.2022 là vũ khí chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp để tập luyện, thi đấu thể thao. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng tự chế, được chế tạo không theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng sát thương, nguy hại tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí thể thao.

Từ kết luận giám định trên, VKS cho rằng dù khẩu súng không thu giữ do các bị cáo đã vứt bỏ và thương tích của bị hại T. không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bị cáo Chiến và Công dùng súng bắn đạn mà theo kết quả giám định là vũ khí “có khả năng sát thương, nguy hại tính mạng, sức khỏe của con người...” là đã phạm vào tội “giết người”.

Kháng nghị của VKS cũng nhận định, kiến nghị của TAND H.Bình Chánh trong bản án sơ thẩm là có căn cứ.

Lý do HĐXX sơ thẩm kiến nghị

Xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND H.Bình Chánh đã 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu bắt buộc giám định thương tích bị hại H. và làm rõ việc các bị cáo dùng súng bắn ở cự ly gần (3 - 8 m) có ảnh hưởng đến tính mạng của các bị hại hay không.

Tuy nhiên, VKS H.Bình Chánh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố 2 bị cáo Chiến và Công về tội “cố ý gây thương tích”.

Do giới hạn việc xét xử theo Điều 298 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, HĐXX tuyên bị cáo Chiến 5 năm tù, bị cáo Công 4 năm tù cùng về tội “cố ý gây thương tích”.

HĐXX nhận định, các bị cáo dùng súng bắn ở cự ly 3 - 8 m, bắn trực diện hoặc từ phía sau các bị hại không có khả năng chống đỡ. Các bị cáo nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng vẫn thực hiện, thể hiện ý thức chủ quan muốn tước đoạt tính mạng của các bị hại. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội “giết người”.

Tại kết luận giám định của bị hại nêu “các thương tích không gây ảnh hưởng đến tính mạng của đương sự” chưa đủ căn cứ xác định ý chí chủ quan các bị cáo có muốn tước đoạt mạng sống của các bị hại hay không.

HĐXX đã có kiến nghị chánh án TAND và viện trưởng VKS cấp có thẩm quyền kháng nghị bản án để xem xét vụ việc, vì hành vi của các bị cáo có dấu hiệu tội “giết người”.

Điều 298, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giới hạn của việc xét xử

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố, thì tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.