Olympic hoàn toàn khác so với SEA Games

09/08/2024 13:29 GMT+7

Bảng tổng sắp huy chương tạm thời của Olympic 2024, những con số 0 ở cột Việt Nam, khiến chúng ta quá đau lòng.

Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam xếp ở vị trí cao nhất, bỏ xa các đoàn còn lại ở Đông Nam Á về số lượng huy chương. Nhưng đến Olympic, điều ngược lại đang xảy ra.

Cụ thể, ở SEA Games 32 năm 2023, Việt Nam giành đến 136 HCV, bỏ xa đoàn về nhì là Thái Lan (108 HCV), bỏ rất xa Philippines (đứng hạng 5, với chỉ 58 HCV). Ở SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà, Việt Nam giành đến 205 HCV, trong khi Thái Lan chỉ có 92 HCV. Philippines thời điểm đó vẫn bị chúng ta bỏ rất xa: họ đứng hạng 4 với chỉ 52 HCV.

Tuy nhiên, ở Olympic, điều ngược lại xảy ra. Philippines đứng đầu trong số các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản) và  đang tạm đứng đầu khu vực ở Olympic Paris (Pháp).

Ở Olympic Tokyo 2020, Philippines giành được 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, xếp hạng 50. Còn tính đến thời điểm này (hết buổi sáng 9.8) của Olympic Paris 2024, Philippines có 2 HCV và 2 HCĐ, xếp hạng 26. 

Philippines, Thái Lan bồi dưỡng tài năng thế nào để giành HCV Olympic?

Olympic hoàn toàn khác so với SEA Games- Ảnh 1.

Thể thao Thái Lan phát triển toàn diện

Chiều ngược lại, trong 2 kỳ Olympic 2020 và 2024, Việt Nam không giành được huy chương nào, không được xếp hạng. Điều đó phản ánh việc với một số quốc gia ở Đông Nam Á, điển hình là Philippines, việc họ không còn giành thành tích quá cao tại SEA Games, không phải do nền thể thao của họ yếu đi, mà có thể chủ yếu họ không còn tập trung vào sân chơi này nữa. 

Nguồn lực và phương thức đầu tư của một số quốc gia Đông Nam Á hiện tập trung cho việc “đánh phá” đấu trường ASIAD và đặc biệt là Olympic. Philippines có Carlos Yulo quá xuất sắc ở môn thể dục dụng cụ (TDDC), giành 2 HCV các nội dung bài biểu diễn trên sàn và nhảy chống nam. 

Olympic hoàn toàn khác so với SEA Games- Ảnh 2.

Yulo từng thua Việt Nam tại SEA Games nhưng giành 2 HCV Olympic

Thái Lan có nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit được dự báo từ trước sẽ giành HCV ở hạng cân 49 kg nữ trong môn taekwondo thuộc Olympic, và thực tế diễn ra đúng như vậy. Còn Indonesia rất đáng gờm ở môn cử tạ. Chưa kể Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia luôn cầm chắc huy chương ở một vài môn mà họ mạnh truyền thống như quyền anh (các hạng cân nhẹ), cầu lông… 

Trong khi đó, nhìn về phía các VĐV Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không có VĐV nào trong nhóm đầu thế giới, cũng không sở hữu môn nào thực thụ là thế mạnh, theo kiểu bước ra đấu trường lớn là có ngay huy chương. 

Qua các kỳ thế vận hội khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, thể thao Việt Nam lại trông chờ vào những môn khác nhau để tranh huy chương: taekwondo của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney (Úc) 2000, cử tạ với Trần Lê Quốc Toàn và London (Anh) 2012 (ban đầu Quốc Toàn đứng hạng 4 hạng 56 kg nam, nhưng do VĐV Valentin Hristov của Azerbaijan bị phát hiện dương tính với doping, nên nhiều năm sau Olympic London 2012, Quốc Toàn được đôn lên nhận HCĐ), bắn súng với Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio (Brazil).

Hầu như môn nào thể thao Việt Nam cũng tham gia, nhưng không đầu tư trọng điểm vào môn nào cả, theo kiểu phải có định hướng để gia nhập hàng ngũ những quốc gia mạnh nhất trong từng môn cụ thể. 

Điều này, như đã nói, khác xa với thế mạnh truyền thống của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, giúp Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia luôn cầm chắc huy chương mỗi khi bước ra đấu trường Olympic. Vấn đề còn lại của họ chỉ là huy chương đấy sẽ màu gì (tùy thuộc vào phong độ của từng VĐV cụ thể và phong độ của đối phương ở thời điểm thi đấu), cũng như họ sẽ “săn” thêm huy chương ở các môn nào, nội dung nào? 

Sau TDDC, Philippines đầu tư mạnh cho điền kinh, với việc VĐV nhảy sào nam Obiena suýt giành được HCĐ (cùng thành tích với người ở vị trí này, chỉ kém chỉ số phụ). Với Thái Lan, sau taekwondo, họ có thêm triển vọng HCV ở các kỳ Olympic kế tiếp với tay vợt đơn nam Kunlavut Vitidsarn (HCB Olympic Paris 2024) và với lực sĩ cử tạ Theerapong Silachai ở hạng 61 kg nam. 

Với Indonesia, mất huy chương ở hạng cân 61 kg nam trong môn cử tạ, họ có ngay HCV ở hạng cân 73 kg nam cũng trong môn này, thuộc về Rizki Juniansyah… 

Thể thao Việt Nam đã bị Đông Nam Á bỏ xa thế nào ở Olympic Paris 2024?

Trái lại, với thể thao Việt Nam, hầu như không thể kể ra đâu là VĐV triển vọng của chúng ta cho kỳ Olympic kế tiếp, cũng không thể kể ra đâu là môn thi đấu mà Việt Nam có thể kỳ vọng vào việc giành huy chương ở các kỳ Olympic sau đây 4 năm hay 8 năm? VĐV Việt Nam hầu hết có thông số thi đấu kém rất xa so với đấu trường Olympic. 

Đấy cũng là chi tiết rất khác giữa Olympic với SEA Games. Tại Olympic, các VĐV và các đoàn thể thao tranh huy chương, tranh thứ hạng bằng thông số kỹ thuật, trong khi ở đấu trường SEA Games, vẫn còn rất nhiều môn hơn thua nhau bởi yếu tố cảm tính (chấm điểm thông qua biểu diễn).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.