Chấp nhận giảm lương, thưởng
Ngày 1.4 bắt đầu thực hiện cách ly xã hội, tuy nhiên chị Nguyễn Thanh Hương, 31 tuổi, nhân viên kế toán một cửa hàng chuyên cung cấp rau củ quả cho các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới trên đường Đặng Thúc Liêng, P.4, Q.8, TP.HCM đã phải tạm nghỉ làm từ ngày 25.3. “Sau khi các cửa hàng ăn uống tạm nghỉ bán đồng loạt theo quy định của nhà nước để cùng chống dịch, các trung tâm tiệc cưới, sự kiện cũng không có sự kiện nào cả, thì cửa hàng của chúng tôi không còn việc. Tạm nghỉ cho tới khi mọi thứ trở lại bình thường, thời gian này chúng tôi bị giảm lương mạnh, nhưng cũng không ai xin nghỉ việc, bởi khó khăn là cảnh chung, sau này mình vẫn có việc làm, tôi luôn nghĩ lạc quan như vậy”, chị Hương chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Đàm, 37 tuổi, sáng lập và CEO của VAST Group (TP.HCM, tập đoàn về kỹ thuật, dịch vụ, truyền thông ô tô) cho hay dịch bệnh xảy ra là trường hợp bất khả kháng. Là một doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, chịu ảnh hưởng nặng nề từ 2 tháng vừa qua khiến việc kinh doanh chậm lại, anh Đàm cho biết bản thân thật sự cần sự chung sức và thái độ ứng phó kịp thời từ các nhân sự trẻ của mình.
|
Sự chung sức mà anh Đàm nói tới, bao gồm từ sự hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để có thể bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và công ty của mình. Năng động và sáng tạo trong tình hình dịch bệnh leo thang, sẵn sàng thay đổi cách làm việc, mô hình làm việc mới để phù hợp với thách thức hiện nay.
“Tôi luôn mong muốn mỗi nhân viên đồng cảm và chia sẻ với nỗi khó khăn của doanh nghiệp. Khi việc kinh doanh khó khăn thì nguồn doanh thu sẽ giảm, do đó lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ có thể cùng giảm để cùng tồn tại cùng vượt dịch thành công. Nhưng tôi luôn kỳ vọng các bạn trẻ vẫn tích cực học tập và rèn luyện để sẵn sàng đón cơ hội mới sẽ được hình thành sau cơn khó khăn”, anh Đàm chia sẻ.
Nhà sáng lập và CEO của VAST Group cũng cho hay: “Là nhà quản lý, người không ít lần đối diện và vượt qua những khó khăn, tôi luôn đưa ra lời khuyên cho những nhân viên của mình. Covid-19 lần này là một phép thử cho nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, nếu chúng ta chỉ biết chờ đợi và không thay đổi cách ứng phó chắc chắn việc phá sản là không tránh khỏi, tuy nhiên, nếu có sự chia sẻ và đồng lòng cùng với sự nhiệt huyết và sáng tạo chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua và một sân chơi mới với những cơ hội mới sẽ mở ra cho những ai xứng đáng”.
Cảm ơn vì mình đã có một công việc cho thu nhập
Anh Nguyễn Trương Tuyến, CEO hệ thống rửa và chăm sóc xe tự động 5S (Q.2, TP.HCM), cho biết trong bối cảnh Covid-19, có những doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh rất tốt, nhưng không ít đơn vị gặp khó khăn. “Nếu thời điểm dịch bệnh này, bạn vẫn đang có một công việc cho thu nhập tốt, bạn hãy tự hào về chính nó và cảm ơn cuộc đời, vì bạn đang có thu nhập để lo cho chính bạn và gia đình của mình”, anh Tuyến trao đổi.
|
Tuy nhiên, anh Tuyến cho hay, trong hoàn cảnh này, cũng nghĩ tới khả năng đóng góp của mình vào doanh nghiệp hiện nay, làm sao để tốt rồi sẽ tốt hơn nữa. “Doanh nghiệp đang tốt không có nghĩa là sẽ tốt mãi. Từ khoá ở đây là “hãy lập công”. Bạn trẻ có thể lập công với sếp ở vai trò người quân sư, đồng hành, bàn bạc những chiến lược để vượt qua khó khăn. Và luôn luôn nhớ bài toán quản trị tài chính cá nhân. Người biết quản trị tài chính tốt thì khi gặp khó khăn, có thể công ty giảm lương tới 50% trong khó khăn ngắn hạn thì cũng không nao núng”.
Xung phong xin giảm lương
Anh Nguyễn Trương Tuyến cho biết không nhiều bạn trẻ dễ dàng chấp nhận thực tế giảm lương, giảm thưởng và đề xuất với lãnh đạo giải pháp này: “Thực tế ở công ty chúng tôi có khoảng 20% nhân sự đã dũng cảm xung phong với sếp là có thể giảm lương để chia sẻ khó khăn với công ty”. Nhưng, thật sự đó là những bạn trẻ được đánh giá cao và khiến lãnh đạo cảm kích. Họ đang cho thấy những người quản lý đang không cô đơn trong cuộc chiến điều hành công ty lúc khó khăn.
|
Theo anh Tuyến, trong hoàn cảnh doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19, tiết kiệm mọi thứ là điều nên làm, từ điện nước, chi phí, tinh gọn bộ máy làm việc, có thể làm việc online. Để chung sức cùng công ty vượt qua khó khăn, mỗi nhân viên có thể chấp nhận làm một lúc nhiều việc hơn, cả những công việc trước giờ chưa được phân công.
“Đừng than vãn là giảm lương, cắt thưởng. Mỗi nhân viên là một tinh thần sáng tạo. Các bạn có thể nghĩ đường khác cho công ty, như nghĩ ra ngách sản phẩm khác, phù hợp cho thị trường trong lúc này. Khi bạn là nhân viên nhưng không ngừng suy nghĩ, hiến kế, vượt ra khỏi những công việc bạn làm hằng ngày, đó là trình độ (level) làm việc của bạn đã cao hơn, bạn đang khác biệt với 80% nhân sự còn lại trong công ty và bước dần tới vị trí của 20% những người lãnh đạo”, anh Tuyến trao đổi.
Bình luận (0)