Đừng trục lợi người bệnh sau Covid-19

11/02/2022 07:16 GMT+7

Khi nỗi lo Covid-19 tạm lắng xuống thì bắt đầu tới nỗi lo hậu Covid-19 . Lo vì nghe nói, không chỉ là nghe trên mạng nói, nghe hàng xóm nói, nghe bạn bè nói mà còn vì nghe một số cơ sở y tế nói…

Hội chứng hậu Covid-19 là có, nhưng không phải ai cũng mắc phải. Đây còn là yếu tố tâm lý, nên nếu bác sĩ nhận định không đúng sẽ làm tốn tiền người bệnh, còn khiến họ lo lắng hơn.

Cần biết, Covid-19 cũng giống như các bệnh lý khác, sau khi mắc bệnh có thể có một số người bị một số hội chứng sau đó. Chẳng hạn như một số người bị cúm sau đó họ mệt mỏi, uể oải, biếng ăn... Do vậy, khi tiếp xúc, khám tầm soát cho người sau mắc bệnh Covid-19, bác sĩ cần cho chỉ định cận lâm sàng những gì cần thiết, đúng, chứ không phải xét nghiệm bao vây để lấy tiền người bệnh. Không lợi dụng “hậu Covid-19” để chỉ định người bệnh khám chỗ này, chỗ kia gây lãng phí cho người bệnh.

Khi ra chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu phải có trách nhiệm giải thích những chỉ định cận lâm sàng đó, chứ không phải “phán” lung tung để bệnh nhân tự đi tìm hiểu. Một số nơi chụp hình phổi xong, xét nghiệm máu xong lại không giải thích gì hết, những chỉ số kết quả in đậm, in mờ cũng không giải thích mà để người bệnh tự tìm hiểu khiến họ lo lắng thêm, thậm chí rơi vào trầm cảm.

Việc này thiết nghĩ không chỉ cơ sở y tế phải lưu ý, mà cần thiết thì cơ quan quản lý y tế cần có những quy định bắt buộc, rõ ràng để các cơ sở khám chữa bệnh phải tuân theo, có nghĩa vụ giải thích với khách hàng (chứ chưa hẳn là người bệnh!).

Covid-19 sáng 11.2: Cả nước 2.430.683 ca mắc | Vì sao cần tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi?

Hội chứng hậu Covid-19 là có nhưng không phải gánh nặng ghê gớm như một số người lo lắng. Bác sĩ, nhân viên y tế cần lưu ý, coi chừng người ta không phải bị hội chứng hậu Covid-19 mà là mắc bệnh lý khác. Do đó, trách nhiệm của bác sĩ khi khám cho người sau mắc bệnh Covid-19 cần tư vấn để họ hiểu hơn và giúp họ bớt lo lắng, bởi có thể họ chỉ bị tâm lý ám ảnh về hội chứng hậu Covid-19. Với một số bệnh nhân hậu Covid-19, cần đến yếu tố dinh dưỡng, chống sang chấn tâm lý... Với những người sau mắc Covid-19 cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe của mình, đừng để tâm lý cứ mãi lo nghĩ, gán ghép mơ hồ vô “hậu Covid-19”, trong khi đó có thể mình đang bị bệnh lao, bệnh tim mạch… cần can thiệp sớm mà không quan tâm lại lo đi... khám hậu Covid-19.

Với những người đã tiêm 2, 3, 4... mũi vắc xin phòng Covid-19 thì triệu chứng hậu Covid-19 sẽ giảm rất nhiều lần so với những người thời kỳ chưa có vắc xin. Trong hướng dẫn của các nước trên thế giới, muốn không có hậu Covid-19 thì nên đi tiêm vắc xin. Vì khi đã tiêm vắc xin thì nguy cơ mắc bệnh rất thấp, và nếu có mắc bệnh thì khó xảy ra hội chứng hậu Covid-19 hơn người chưa tiêm.

Tổ chức khám, tầm soát nếu có không nên nhằm vào việc thu tiền người bệnh bằng “chiêu” cho chỉ định xét nghiệm quá lố. Người ta đã khổ quá nhiều rồi mà còn tìm cơ hội kinh doanh trong chuyện đó thì không nhân văn.

Đừng để phong trào mở dịch vụ tầm soát, kiểm tra, khám chữa bệnh hậu Covid-19 trở thành “cần câu cơm” của một số cơ sở y tế tranh thủ, như trước đây đã từng tranh thủ đủ kiểu giá xét nghiệm Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.