Phương thức làm giả có 2 dạng chính: làm giả sổ đỏ của lô đất có thật và giả mạo chữ ký, thông tin do cơ quan chức năng phát hành; hoặc làm giả “sổ đỏ” của lô đất không có thật với thông tin, chữ ký giả mạo. Tất cả đều rất tinh vi.
Một phôi sổ đỏ giả vừa bị phát hiện ở tỉnh Quảng Trị |
THANH LỘC |
Với câu chuyện “sổ đỏ giả” vừa phát hiện, thật đáng lo khi nhớ lại cảnh nhiều người tranh nhau “chốt đất”, mua bán đất đai thời gian gần đây ở Quảng Trị. Cảnh những văn phòng công chứng chật ních người với những cuốn sổ đỏ trên tay, kẻ bán người mua hí hoáy viết giấy tờ. Cảnh những đoàn người và xe, tập trung chỉ trỏ ở những khu dân cư hoặc những lô đất thổ cư...
Nếu trong những “sự kiện” đó, có “sổ đỏ giả” được tuồn vào, giao dịch thành công, thì hậu quả sẽ ra sao?
Mới đây, mạng xã hội đã một phen dậy sóng với màn chốt đất “siêu tốc”, thu hút cả trăm người tham gia ở làng quê thuộc thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Trong một thời gian ngắn, có 12 lô đất (từ 120 - 150 m2) được chốt, mức giá từ 650 - 790 triệu đồng/lô. Nhưng sau khi vụ việc ồn ào, chính quyền vào cuộc mới hay toàn bộ diện tích đấu giá (rộng khoảng 1.500 m2) này chỉ có đúng 3 sổ đỏ thuộc sở hữu của 5 người. Chưa hết, đây là khu vực chưa được quy hoạch khu dân cư, nguồn nước khó khăn, bị đơn vị hay cá nhân nào đó tự ý cắm cọc, phân lô.
Tâm lý hấp tấp, chạy theo đám đông trong mua bán bất động sản là thứ khá phổ biến trong cơn sốt điên đảo của đất đai tại nhiều địa phương ở Quảng Trị từ cuối 2021 đến nay. Đây có thể là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng giả mạo sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất nhiên, những hành vi này cần được lên án và bị pháp luật trừng trị. Nhưng nếu người dân, nhà đầu tư còn thiếu tỉnh táo, mải mê với cơn sốt đất thì sẽ còn có nguy cơ tự biến mình thành “con mồi” cho kẻ xấu.
Bình luận (0)