Dùng túi chứa nước ứng phó hạn mặn

12/03/2017 08:02 GMT+7

Nhà vườn ở xã cù lao Thanh Bình (H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) đang thi nhau mua túi ni lông về chứa nước ngọt để phòng khi bị hạn mặn xâm nhập có nước tưới cho vườn sầu riêng của mình.

Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Trong (ấp Thanh Khê, xã Thanh Bình) tranh thủ bơm nước vào túi ni lông để trữ nước tưới cho hơn 1 ha vườn sầu riêng đang cho trái. Ông nói: “Năm trước, vào những ngày này, vườn sầu riêng nhà tôi bị rụng hết lá, năng suất giảm thấy rõ. Đầu năm nay, thấy bà con trong xóm dùng túi ni lông chứa nước rất hiệu quả nên tôi liền chạy mua 1 cây túi nặng 100 kg loại dày, khổ 1,8 m về làm theo. Bỏ ra 4 triệu đồng mà có thể trữ được đến 300 m3 nước, tính ra cũng rẻ”!
Do loại túi này có khổ tròn nên sau khi mua về, ông Trong thả nó xuống mương vườn, 2 đầu buộc 2 ống nước để bơm nước ngọt vô dự trữ, khi nước sông bị mặn thì rút nước trong túi ra tưới vườn. “Với túi nước này, gia đình tôi tưới vườn, giặt giũ, nấu nướng... cũng lâu bộn đó”, ông Trong khoe.
Theo những hộ dân nơi đây, bình quân mỗi túi ni lông dung tích 150 m3 có giá bán khoảng 2 triệu đồng, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho hơn 1 ha vườn sầu riêng trong một tuần. Nhà nào vườn rộng có thể mua nhiều túi ni lông về trữ nước; bởi nếu để vườn sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị ảnh hưởng của nước mặn sẽ bị thất thu gấp vài chục lần so với vốn đầu tư mua túi ni lông.
Ông Trần Văn Của (ấp Thái Bình, xã Thanh Bình) chia sẻ: “Dùng túi ni lông trữ nước mang lại hiệu quả rất cao do chủ động được nguồn nước tưới, bất kể bị mặn xâm nhập hay hạn hán. Gia đình tôi đã sử dụng túi này chứa nước 2 mùa rồi. Rút kinh nghiệm từ mùa trước, nếu vườn sầu riêng lớn tuổi, cho trái nhiều thì phía trên các mương có thả túi ni lông nên rào lưới để tránh tình trạng trái sầu riêng chín hoặc hư rơi xuống trúng sẽ bị rách, rất khó vá lại”.
Đến nay, người dân ở xã Thanh Bình đã làm được hàng chục túi chứa nước dã chiến. Túi được thiết kế phù hợp với địa hình, nhu cầu của từng địa phương và người sử dụng. Mương đang có nước hoặc khô, ao, hồ, vuông nuôi thủy sản đều có thể đặt túi chứa nước. Các hộ dân cũng có thể tự lắp đặt, tận dụng hệ thống máy bơm, đường ống có sẵn và có thể thu gọn, cất đi để kéo dài thời gian sử dụng.
Ông Ngô Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình (H.Vũng Liêm), cho biết xã đang tập trung nhân rộng mô hình để đối phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Thực tế cho thấy mô hình này dễ dàng nhân rộng do hiệu quả cao, vốn đầu tư không lớn nên người dân dễ dàng tham gia. Theo Phòng NN-PTNT H.Vũng Liêm, mô hình dùng túi ni lông chứa nước để đối phó hạn mặn bước đầu mang lại hiệu quả cao. Sắp tới, huyện sẽ lên kế hoạch diễn tập mô hình này ở các nơi bị ảnh hưởng hạn mặn trong toàn huyện để cho người dân học hỏi và sử dụng, bảo vệ vườn cây trái của mình.
Mặn đã xâm nhập địa bàn tỉnh Hậu Giang
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, ngày 11.3, cho biết một số địa phương trong tỉnh đã bị mặn xâm nhập. Hiện độ mặn đo được cao nhất tại H.Long Mỹ là 2,20/00, tại TP.Vị Thanh (trung tâm tỉnh lỵ) là 0,60/00. Năm 2016, xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng tại Hậu Giang đã gây thiệt hại cho toàn tỉnh khoảng 13 tỉ đồng.
Quang Minh Nhật
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.