Phải mất hơn 1 năm để kiểm tra một sự việc không quá phức tạp, đã có nhiều bằng chứng được báo chí công phu điều tra thì phải nói là chậm. Còn nếu so với những đồn đoán, bàn tán trong dư luận về số bất động sản, tài sản khổng lồ của ông Truyền vốn đã có từ rất lâu, ngay khi ông còn tại chức, thì kết luận này sẽ là quá chậm; đặc biệt khi những dư luận ấy có liên quan đến cán bộ, đến uy tín của Đảng. Kết luận càng sớm, công bố càng công khai thì càng khiến nhân dân tin vào quyết tâm chống tham nhũng của nhà nước.
Vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền, một lần nữa nhắc nhở về quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vốn rất dài, nhiều thủ tục, tưởng rằng chặt chẽ nhưng lại có những lỗ hổng chết người. Nó chứng minh việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ không thực chất, chưa đạt mục tiêu là công cụ kiểm soát tham nhũng.
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì những vi phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ xảy ra trong một thời gian dài, gắn với nhiều giai đoạn công tác, giữ các vị trí chủ chốt của ông. Nhưng tại sao những vi phạm đó không được phát hiện trong quá trình làm công tác cán bộ? Đây là câu hỏi cũng cần giải đáp thỏa đáng. Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ QH, khi thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng nói ra một trăn trở: “Đọc báo cáo thấy nhiều tiến bộ, nhưng nghe thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia”. Đánh giá được những gì dư luận nói là việc rất quan trọng để ngăn ngừa những vi phạm, sự tha hóa của cán bộ.
Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có nhắc tới việc tỉnh Bến Tre và TP.HCM “nể nang” trong việc cấp nhà, đất cho ông Trần Văn Truyền. Sự “nể nang” ấy không phải tự nhiên mà có, nó đến từ quyền lực của những chức vụ mà ông Truyền được Đảng và nhân dân giao phó. Vậy thì, nhìn rộng ra, trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực phải có những nguyên tắc để bảo đảm quyền lực được vận hành không cảm tính, sự “nể nang” không có chỗ để làm hư, đẩy cán bộ xuống vực thẳm của sai phạm.
Sự việc này và một vài vụ xử lý liên quan đến cán bộ cao cấp từng làm cho thấy, Đảng nói là làm, chống tham nhũng không có vùng cấm. Nhưng rõ ràng cần phải hiểu pháp luật về chống tham nhũng ở ta vẫn phải được thực thi quyết liệt và đồng bộ hơn. Quan trọng nhất là việc phát hiện, xử lý phải làm thường xuyên, nghiêm túc, để nhân dân có niềm tin rằng, những vụ việc được phát hiện không phải là chuyện “kính thưa các đồng chí bị lộ”.
An Nguyên
>> Nói và làm' của ông Trần Văn Truyền
>> Ông Trần Văn Truyền đã 'phản bội niềm tin của công chúng
>> ‘Sai phạm của ông Trần Văn Truyền ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước’
>> Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền
>> Kiểm tra tài sản nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
>> Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt
>> Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: "Mình truy, nhưng họ quanh co đủ thứ
>> Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ: Có tình trạng đối phó sau kết luận thanh tra
Bình luận (0)