Bộ Xây dựng vừa công bố bãi bỏ, thay thế nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản và xây dựng nhằm tháo gỡ những vướng mắc cũng như phân cấp, phân quyền nhiều hơn trong quản lý. Thế nhưng tiếc là không ít kiến nghị, đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp ở cả cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực này lại vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) cũng vừa có công văn gửi lãnh đạo thành phố với quan điểm "không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch Covid-19".
Có 2 vướng mắc thuộc thẩm quyền TP.HCM là “Ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố”; “quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập” và 1 vướng mắc thuộc thẩm quyền của trung ương. Theo đó, HoRea đề nghị UBND TP trình Chính phủ xem xét sớm sửa đổi quy định tại Nghị định 30, sớm tháo gỡ “ách tắc” về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư". Đáng nói là những kiến nghị của HoRea đã được đưa ra rất nhiều lần và từ khá lâu trước đó kèm theo các phân tích, hệ quả, hệ lụy... thế nhưng đến lần tái dịch thứ 4, đơn vị này vẫn phải "bổn cũ soạn lại" không mệt mỏi. Vậy phải chăng có sự lệch pha về vướng mắc thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp?
Tương tự, trong khi Bộ NN-PTNT khẳng định đã nỗ lực cắt giảm thủ tục kinh doanh để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp thì các hiệp hội, đơn vị lại bức xúc cho rằng Bộ đẻ... thêm thủ tục rồi cắt giảm để báo cáo thành tích. Đơn cử tháng 5 vừa rồi, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam gửi công văn đến Cục Chăn nuôi, kiến nghị dừng yêu cầu thực hiện hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hiệu lực vào 1.7 tới. Theo đơn vị này, thế giới không có hợp quy thức ăn chăn nuôi, còn công bố hợp quy an toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ. Chưa kể trước khi ra thị trường, sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN-PTNT; nhà máy sản xuất thì phải đủ điều kiện do Cục Chăn nuôi cấp và đánh giá giám sát định kỳ. Riêng sản phẩm nhập khẩu, phải có GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO. Khi nhập về phải kiểm tra chất lượng thông quan. Do đó, yêu cầu hợp quy chỉ có tác dụng... gây lãng phí và đội giá thành sản phẩm mà thôi.
Có rất nhiều sự lệch pha giữa mong muốn của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc tháo các nút thắt thủ tục, lại có khi "cùng pha" nhưng xảy ra tình trạng "trên rải thảm dưới rải đinh"... nhưng dù vì bất cứ lý do gì thì thủ tục hành chính rườm rà không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của doanh nghiệp, tạo khe hở cho những hành vi tham nhũng vặt mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Đó là lý do cắt giảm thủ tục hành chính được coi là dư địa để chúng ta thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch. Và việc này chỉ thực sự hiệu quả nếu được làm đúng, trúng và thực chất.
Bình luận (0)