Nhưng vấn đề là làm thế nào để những lời xin lỗi không sáo rỗng hay xin lỗi xong rồi thôi, thậm chí người làm sai quay lại “hành” dân!
Từ năm 2012, TP.HCM đã có quy định bắt buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện thư xin lỗi người dân khi chậm trễ giải quyết hồ sơ hành chính. Tuy nhiên, việc làm này dường như chỉ dừng lại ở mức… hình thức, bởi lẽ trên thực tế việc chậm trễ vẫn thường xuyên, phổ biến. Minh chứng là sở ngành, quận, huyện nào cũng còn tình trạng giải quyết hồ sơ không đúng hẹn, thậm chí có đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2016 phải gửi đến hàng ngàn thư xin lỗi mà việc ì ạch giải quyết hồ sơ hành chính vẫn cứ xảy ra.
Khi cán bộ, công chức làm sai và biết xin lỗi, sửa sai, hầu như người dân ai cũng sẵn sàng rộng lượng tha thứ. Nhưng người dân cũng sẽ không thể chấp nhận những lời xin lỗi cho có, thậm chí xin lỗi xong lại tìm cách để hành lại dân.
Dư luận vẫn chưa quên trường hợp ông Nguyễn Văn Tấn trong vụ án “Cà phê Xin Chào” bị Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) khởi tố, Viện KSND H.Bình Chánh truy tố để xét xử về tội “kinh doanh trái phép” chỉ vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh 5 ngày và chưa kịp bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi báo chí lên tiếng và các cơ quan tố tụng vào cuộc rà soát kiểm tra, phát hiện những sai sót của vụ án, thì ngay sau đó vụ án đã được đình chỉ. Các cơ quan, cá nhân có liên quan cũng đã công khai xin lỗi ông Tấn, bị xử lý. Tưởng chừng như ông Tấn sẽ hết bị làm khó, nhưng dư luận những ngày qua lại xôn xao về việc ông đặt tạm một phần của thùng container trong khuôn viên quán để làm chỗ rửa ly, chén, lập tức bị UBND TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Điều đáng nói là UBND TT.Tân Túc khi viện dẫn quy định pháp luật để xử lý lại có điều khoản đã hết hiệu lực thi hành!
Hay như vụ “Sáu năm không xong một thủ tục hành chính” mà Thanh Niên ngày 27.6 phản ánh. Mặc dù UBND Q.Bình Tân thừa nhận có sai sót, xin lỗi Công ty TNHH Nguyễn Quyền nhưng đến nay quận vẫn không tháo gỡ quyết định thanh tra và kết luận thanh tra thuế không đúng thẩm quyền của mình, khiến công ty bị đẩy vào tình cảnh “muốn chết cũng không được mà sống cũng không yên”. Việc hành xử như thế khiến dư luận nghi ngờ tính “chân thành” của lời xin lỗi mà những người thực thi công vụ đưa ra. Theo nguyên tắc, nếu như cơ quan chức năng có kết luận không đúng thì buộc phải minh oan cho người dân, khôi phục quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn, sinh sống. Không thể xin lỗi xong rồi thì... cù cưa khiến bức xúc trở thành điểm nóng và người dân buộc phải đi khiếu nại vượt cấp.
Xin lỗi dân nếu như chỉ hình thức thôi thì không có ý nghĩa trong thực tiễn. Đi kèm lời xin lỗi đó, cơ quan chức năng phải tạo ra chuyển biến tích cực trong thực tế, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức vô cảm, cố tình sai phạm.
Bình luận (0)