Theo công điện mới nhất của Bộ LĐ-TB-XH về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm, Bộ này yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30.4.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cần tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch Covid-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch Covid-19; tăng cường quản lý, nắm tình hình, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có trên 560.000 lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm Covid-19. Hiện chưa có lao động nào bị nhiễm Covid-19.
Trong đó, tại Hàn Quốc có 48.000 người; Nhật Bản có khoảng 230.000 thực tập sinh/lao động người Việt đang (số này chưa bao gồm khoảng 9.000 người là thực tập sinh đã bỏ trốn, đang cư trú bất hợp pháp); tại Đài Loan (Trung Quốc) có 224.713 lao động Việt Nam; và khoảng hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc trên 13 thị trường châu Âu.
Những lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đều tuân thủ nghiêm các quy định của nước, vùng lãnh thổ sở tại về cách ly, theo dõi y tế, và các quy định về xuất nhập cảnh khác.
Để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp XKLĐ thực hiện chính sách hỗ trợ trong trường hợp lao động bị thôi việc, mất việc.
Theo đó, đối với trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.
Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp XKLĐ chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp bị thôi việc, mất việc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xử phạt theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện báo cáo lao động về nước.
Bình luận (0)