Lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc do Covid-19 được hỗ trợ gì?

Thu Hằng
Thu Hằng
27/03/2020 11:51 GMT+7

Ngoài được trả phí môi giới, tiền dịch vụ, lao động đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc do dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ từ Quỹ việc làm ngoài nước.

Hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/lao động

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 26.3, có 560.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Lao động Việt Nam tại các quốc gia này vẫn đang làm việc bình thường và tuân thủ hướng dẫn về y tế của nước sở tại, chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Qua nắm bắt thông tin, người lao động chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này.
Trong quý 1, số lao động về nước là 4.929 người, chủ yếu là do hết hạn hợp đồng, từ một số thị trường chính là Nhật Bản (2.978 người), Hàn Quốc (1.255 người) và Đài Loan (633 người).

Việt Nam có 153 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi công bố 5 ca mới

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng, Bộ LĐ-TB-XH đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.
Theo đó, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ được hoàn trả tiền môi giới theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT- BLĐTBXH-BTP ngày 4.9.2007.
Cụ thể, người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Nếu làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.
Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế, theo quy định của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với tiền dịch vụ, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Mức hỗ trợ được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19, mức độ, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết.

Rà soát lao động phục vụ trên các tàu du lịch quốc tế

Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các vùng dịch bệnh Covid-19.
Đối với các nước, vùng lãnh thổ có các trường hợp nhiễm dịch bệnh khác, yêu cầu doanh nghiệp trao đổi với đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh; trong trường hợp cần phải xuất cảnh, phải quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.
Bộ LĐ-TB-XH đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp rà soát, tổng hợp, báo cáo số lượng lao động đang làm việc tại các địa bàn, lao động phục vụ trên các tàu du lịch quốc tế, thuyền viên tàu vận tải, thuyền viên tàu cá, đặc biệt số lao động có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Cập nhật danh sách ngay khi người lao động về nước.
Đối với người lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác, khuyến cáo người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế, cách ly y tế theo quy định.
Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các Ban Quản lý lao động Việt Nam tại nước ngoài khuyến cáo, hướng dẫn người lao động tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu y tế của cơ quan chức năng sở tại về vệ sinh phòng dịch, không tụ tập nơi đông người, không di chuyển đến vùng có dịch, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.
Ban Quản lý lao động ngoài nước cần làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh trong trường hợp nghi nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh Covid-19 và thực hiện các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định của nước sở tại trong thời gian nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.