1Đây là năm thứ hai liên tiếp, Tokyo và cả nước Nhật phải oằn mình gánh thêm một mùa hè nóng bức với lời kêu gọi từ chính phủ đề nghị người dân cắt giảm tiêu thụ điện năng khoảng 15%. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3.2011, Nhật Bản hiện nay chỉ còn hai lò phản ứng hoạt động và với việc sản xuất điện năng lệ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này, xứ sở mặt trời mọc sẽ luôn đối diện với nguy cơ mất điện thường trực nếu như không biết tiết kiệm tối đa.
|
Chính phủ phải làm gương trước tiên. Đến thăm bất kỳ một cơ quan nhà nước nào, từ Bộ Môi trường cho đến Bộ Ngoại giao, cánh phóng viên rất dễ bị “hố” nếu như lỡ dại khoác vào chiếc áo vest. Có hai lý do. Thứ nhất, cán bộ của các cơ quan trên ăn mặc vô cùng đơn giản - áo cộc ngắn tay. Thứ hai, mặc vest chỉ tạo cơ hội cho cái nóng tiếp tục “hành hạ” khi nhiệt độ máy lạnh trong phòng của các cơ quan này luôn cố định ở mức 28 độ C - mức lý tưởng để tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.
|
“Là cơ quan chính phủ trực tiếp kêu gọi người dân tiết kiệm điện, chúng tôi buộc phải làm gương ở mức cao nhất”, ông Aizawa Kazuharu, cán bộ Văn phòng Chính sách lối sống thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản, nói với Thanh Niên. Ông Aizawa hiện đang làm việc trong một dự án kêu gọi người dân Nhật thay đổi 25 thói quen nhỏ trong chính cuộc sống hằng ngày của họ - từ việc chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ cao, khóa vòi nước khi không sử dụng, cho đến đi xe đạp hay sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường… Tưởng đơn giản, nhưng những thay đổi này nếu đi vào nền nếp sẽ đóng góp rất lớn vào chính sách tiết kiệm năng lượng tại Nhật.
Ông Aizawa nói: “Năm 2005, Bộ trưởng Môi trường lúc đó đã đi tiên phong khi chủ động cởi bỏ áo khoác ngoài để không phải chỉnh thấp nhiệt độ máy điều hòa trong phòng làm việc. Sau đó, Thủ tướng lúc ấy là ông Junichiro Koizumi cũng phát động phong trào cởi bỏ áo vest trong công sở. Những hành động thiết thực như thế đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất mạnh”. Ông dẫn chứng: “Năm 2005, chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát người dân ở 12 tỉnh thành Nhật Bản, kết quả là chỉ từ 20 đến 30% người được khảo sát cho biết có chỉnh nhiệt độ máy điều hòa ở mức cao. Năm 2010, tỷ lệ người dân chỉnh nhiệt độ cao tăng vọt lên trên 60%”.
Ông Aizawa kết luận: “Để thay đổi một thói quen - dù là nhỏ - trong cuộc sống thường nhật của người dân, ngoài việc lãnh đạo làm gương, chúng tôi đã phải kiên trì thuyết phục người dân về những lợi ích hết sức thiết thực của việc thay đổi những thói quen đó. Tôi nghĩ, người dân sẽ sẵn sàng hợp tác và san sẻ với chính phủ nếu như họ được tham vấn tường tận và được tôn trọng ý kiến tối đa đối với những dự án do chính phủ khởi xướng có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đối với cuộc sống của chính mình”.
2Trước thảm họa Fukushima, Nhật Bản lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân để phát triển khoản 30% tổng điện năng và tăng chỉ tiêu lên 50% vào năm 2030. Sau biến cố Fukushima, trước áp lực dư luận, chính phủ nước này cam kết đến năm 2040 sẽ giảm dần lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thay vào đó phát triển các nguồn năng lượng thay thế khác như điện gió, mặt trời. Cho dù vừa qua chính phủ Nhật vẫn còn đang do dự với chỉ tiêu năm 2040, dường như sở nguyện người dân vẫn sẽ là yếu tố hàng đầu được xem xét sau khi chính phủ ban hành chính sách mới yêu cầu mua điện từ các nhà cung cấp năng lượng sạch và có thể thay thế được.
|
“Trước khi thảm họa Fukushima diễn ra, người dân Nhật vẫn thường rất chủ quan khi xem nguy cơ thiếu điện vẫn là cái gì quá xa vời đối với chúng tôi”, ông Aizawa (Bộ Môi trường Nhật Bản) nói. “Sau biến cố đó, chúng tôi bàng hoàng nhận ra mình đã quá phung phí điện năng. Người dân đã thay đổi rất nhiều về ý thức tiết kiệm điện và rất cần chính phủ phát triển song hành các nguồn năng lượng thay thế khác”.
Tuy nhiên, ông Aizawa đồng ý rằng rất đáng buồn khi phải cần đến một thảm kịch như Fukushima để người dân thay đổi triệt để ý thức hành vi cũng như để chính phủ lắng nghe, đáp ứng sở nguyện của quảng đại quần chúng.
“Đó là một cái giá quá đắt”, ông Aizawa nói.
Thủy điện và sở nguyện của người dân Ngay cả những quốc gia phát triển ở Bắc u vẫn dựa vào thủy điện để phát triển điện năng. Có điều, sở nguyện của người dân luôn được đặt lên hàng đầu trong từng dự án phát triển. Tiến sĩ Marko Keskinen thuộc Đại học Aalto (Phần Lan) nói với Thanh Niên: “Phát triển thủy điện tất nhiên là vẫn còn quan trọng ở Phần Lan và một số nước Bắc u khác. Tuy vậy, ngày nay chúng tôi không phát triển thêm một dự án thủy điện mới nào, mà chỉ tập trung vào việc nâng công suất cho các dự án được xây dựng trước thập niên 1980. Đó là do quá trình tham vấn công luận về các tác động của dự án thủy điện ngày càng diễn ra minh bạch và vì thế, người dân ngày càng quan ngại về các hệ lụy môi trường của chúng nếu chính phủ tiếp tục xây mới. Bằng việc để cho người dân biết và có tiếng nói trong từng dự án của mình, chính phủ luôn đặt sở nguyện người dân lên hàng đầu mỗi khi cân nhắc bất kỳ dự án mới nào”. |
An Điền
>> Nhìn lại thảm họa đập Bản Kiều
>> Lời nhắc nhẹ về “mầm thảm họa”
>> Hỗ trợ di dời hộ dân bị ảnh hưởng vì thủy điện Sông Tranh 2
>> Địa điểm xây Sông Tranh 2 là sai lầm ?
>> Thủy điện Sông Tranh 2 “vẫn an toàn”
>> Tư vấn thiết kế nhận thiếu sót vụ thủy điện Sông Tranh 2
>> Thiệt hại tiền tỉ do động đất ở thủy điện Sông Tranh 2
>> Chưa cho tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2
>> Phúc thẩm vụ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước gây ngập nhà dân
Bình luận (0)