Chiều 30.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 4 trong phiên xét xử ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cùng 6 bị cáo khác ở vụ án thao túng cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, xảy ra năm 2016.
Đối đáp các luận điểm, ý kiến bào chữa cho thân chủ của các luật sư tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội khẳng định việc Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo là có căn cứ và đúng quy định pháp luật. Đây là vụ án đồng phạm và là một chuỗi hành vi vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, mỗi bị cáo thực hiện một số hành vi để hình thành một chuỗi vi phạm, hình thành 1 vụ án gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Chung là người chỉ đạo
Theo đại diện Viện KSND Hà Nội, trong buổi xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm, tuy nhiên luật sư của bị cáo Tứ lại đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến cho rằng bị cáo này không phạm tội. Việc này trái ngược với nhận thức, quan điểm của bị cáo Tứ, bởi bị cáo này đã thừa nhận.
“Ngoài ra, khi Viện Kiểm sát đưa quan điểm xử lý, bị cáo Tứ cũng thừa nhận mức hình phạt là vừa nghiêm minh và lại nhân văn. Vì vậy, bị cáo Tứ đã nhận thức rõ hành vi của mình”, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nói.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung |
anh hùng |
Về hành vi dừng thầu ngày 16.5.2016, bị cáo Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT TP.Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT TP.Hà Nội, đều thừa nhận vi phạm, bởi lẽ trước 5 phút gói thầu được mở, xét thầu thì đùng một cái Sở KH-ĐT ra quyết định dừng thầu đột ngột.
“Rõ ràng là không công bằng, không đàng hoàng và các bị cáo đều thừa nhận”, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nói.
Đối đáp lại quan điểm luật sư của ông Tứ cho rằng thân chủ của mình chỉ truyền đạt lại chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội, cho hay sau khi nghe điện thoại của ông Chung, ông Tứ đã tìm cách dừng thầu để làm sao những người tham gia đấu thầu không khiếu nại.
“Nếu làm đúng quy định thì làm sao mà bị khiếu nại, chúng tôi cho rằng bị cáo Tứ nhận thức sai trái là đúng”, đại diện Viện KSND Hà Nội nói.
Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội tham gia tố tụng tại phiên tòa |
anh hùng |
Đối đáp chung các bị cáo, đại diện VKS cho biết văn bản dừng thầu do bị cáo Học trực tiếp ký; bị cáo Tuyến và Hường là người tham mưu, soạn thảo. Giải thích về trách nhiệm của người tham mưu, đại diện VKS cho biết nhiệm vụ của người này là đối chiếu với các quy định của pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo ban hành văn bản đúng quy định, phải chịu trách nhiệm về phần tham mưu chứ không phải chỉ là người đánh máy, lãnh đạo ký là lãnh đạo phải chịu. Ngay từ hoạt động dừng thầu, các bị cáo đã vi phạm.
“Sau khi dừng thầu thì dẫn đến việc tiếp xúc với Nhật Cường theo chỉ đạo của bị cáo Chung. Nhật Cường đến đặt vấn đề đưa công nghệ mới, sau đó đến làm thử,… rồi tiếp tục gói thầu”, đại diện VKS nêu một chuỗi vi phạm của các bị cáo.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm, đánh giá trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung là người chỉ đạo bị cáo Tứ thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm tính đúng đắn của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước và giữ nguyên quan điểm truy tố ông Chung ở hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Nhật Cường “tự ra đề, tự đi thi”
Theo đại diện Viện KSND Hà Nội, thời điểm mở lại gói thầu, việc soạn thảo hồ sơ mời thầu, trách nhiệm tham mưu vẫn thuộc nhóm chuyên gia của Sở KH-ĐT Hà Nội, tức thuộc trách nhiệm của bị cáo Tuyến và Hường. Việc cho Nhật Cường thử nghiệm, sau đó xây dựng lại kế hoạch, bổ sung hồ sơ mời thầu,… những cái này đều do nhóm chuyên gia của Sở KH-ĐT.
“Đọc email của Tuấn (bị cáo Lê Duy Tuấn, cựu Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh). Tuyến cho rằng đây là dự thảo đầy đủ, sau khi nhận email này, bị cáo Tuyến và Hường chỉnh sửa, cuối cùng hồ sơ mời thầu vẫn đúng như dự thảo của người đi đấu thầu, đi thi… Người đi thi lại gửi trước đề bài cho hội đồng thi, mà đề bài này tôi đã làm rồi, như thế có phải là tạo lợi thế không?”, đại diện VKS nói và cho rằng đó là tạo lợi thế cho Nhật Cường trúng thầu từ một gói thầu có sự thông thầu, thông đồng, có “quân xanh, quân đỏ”, một hoạt động đấu thầu không công bằng, theo quy định pháp luật phải hủy kết quả.
Các bị cáo trong vụ án |
anh hùng |
Theo đại diện Viện KSND Hà Nội, bị cáo Võ Việt Hùng, cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh, và bị cáo Tuấn đều thừa nhận sau khi trúng thầu, Nhật Cường đã giao thẳng cho Công ty Đông Kinh thực hiện và nhận 19 tỉ đồng. Trong hợp đồng thầu ghi rõ việc bán 100% gói thầu là vi phạm.
Về băn khoăn của các luật sư về thiệt hại và cách tính, đại diện VKS khẳng định đã áp dụng các quy định, hướng dẫn để tính chính xác, đúng quy định.
“Mục đích gói thầu này, Sở KH-ĐT Hà Nội phải nhận một sản phẩm tròn trịa, phát huy được hiệu quả chứ không phải một sản phẩm dở dang. Trong gói thầu có 2 phần số hóa và đính lên hệ thống dữ liệu quốc gia, nhưng mới hoàn thành phần số hóa. Phải đính số liệu lên được mới phát huy hiệu quả, chứ không đính thì nó chỉ là một kho data, mất thêm dữ liệu lưu trữ, thêm nhân công bảo trì, ngoài ra còn nguy cơ lộ lọt bí mật”, đại diện VKS nói, và cho rằng gói thầu này phải hủy, mà không huỷ thì hợp đồng này không có hiệu lực, nhà thầu phải trả lại tiền đã thanh toán, khôi phục lại toàn bộ dữ liệu ban đầu.
Về trách nhiệm dân sự, một số luật sư cho rằng phải quy cả cho Công ty Nhật Cường.
“Tôi rất mong hiện tại Nhật Cường ở đâu, đang hoạt động thế nào, ai là đại diện đề nghị các vị luật sư cung cấp cho cơ quan tố tụng. Bởi đây là vụ án thứ 2 Nhật Cường liên quan, Tổng giám đốc đang bỏ trốn truy nã, phó giám đốc, giám đốc tài chính,… đang phải chấp hành án, cơ quan an ninh cũng không tìm đâu ra được, địa chỉ đăng ký thì là nhà riêng, đã xác minh không còn tài sản gì. Vậy, một vụ án đồng phạm, đương nhiên các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự theo từng mức độ”, đại diện VKS đối đáp và cho biết các bị cáo có thể khởi kiện dân sự Bùi Quang Huy bồi hoàn lại khi bắt được.
Bình luận (0)